Theo tục lệ truyền thống, vào ngày mùng 3 Tết, người Việt Nam thường bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên bằng việc chuẩn bị một mâm cơm cúng đầy đủ và tiến hành lễ hóa vàng. Do vậy, bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa sâu sắc của lễ hóa vàng và cung cấp những mẫu văn khấn rước ông bà chuẩn nhất.
Ý nghĩa của ngày hóa vàng mùng 3 Tết
Tục lệ hóa vàng là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt đã tồn tại từ bao đời nay. Theo quan niệm dân gian, hành động đốt vàng mã tượng trưng cho việc gửi những vật dụng cần thiết cho người đã khuất như quần áo, giày dép, nhà cửa,... mong muốn họ được an lành ở thế giới bên kia.
Tục lệ này không chỉ là một nghi thức đơn thuần mà còn hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc. Đó là lòng biết ơn đối với những người đã khuất, là mong cầu bình an, sức khỏe cho những người ở lại và là một lời khẳng định cho mối liên kết bền chặt giữa hai thế giới.
Giáo sư Sử học Lê Văn Lan đã từng giải thích rằng, tục hóa vàng dựa trên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Những vật phẩm hóa vàng thường gắn liền với đời sống thường nhật nhằm thể hiện quan niệm về sự gần gũi giữa thế giới hiện tại và thế giới bên kia.
Tuy nhiên, khi nói đến "ngày hóa vàng" trong dịp Tết Nguyên đán, ý nghĩa lại có những sắc thái riêng. Nhiều người thường quan niệm rằng đây là ngày để tiễn đưa tổ tiên về trời sau khi đã cùng gia đình đón Tết. Quan niệm này tuy phổ biến,nhưng chưa hoàn toàn chính xác.
- Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, bản chất của việc hóa vàng trong dịp Tết là để đón thần tài, thần lộc về nhà, cầu mong một năm mới làm ăn phát đạt, gia đình an khang.
- Đại đức Thích Giáng Nguyên (Nam Định) cũng nhận định, lễ hóa vàng còn là dịp để gia chủ bày tỏ lòng biết ơn đối với chư Phật, thần linh và gia tiên. Những người đã luôn che chở và phù hộ cho gia đình trong suốt năm qua.
Văn khấn rước ông bà tổ tiên chi tiết nhất
Vào ngày hóa vàng, các gia đình Việt thường chuẩn bị một mâm cúng, mâm ngũ quả, hương, hoa, tiền vàng,... Khi tiến hành lễ cúng, gia chủ sẽ thắp ba nén hương lên bàn thờ, chắp tay thành khẩn và đọc bài văn khấn đã chuẩn bị trước.
Văn khấn rước ông bà tổ tiên theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần
Con kính lạy Ngài Đương niên, ngài Bản cảnh Thành hoàng, các ngài Thổ địa, Táo quân, Long Mạch, Tôn thần.
Con kính lạy các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, nội ngoại Tiên linh.
Chúng con là:... Ngụ tại…
Hôm nay là ngày mùng... tháng Giêng năm Ất Tỵ.
Chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa nước quả, phẩm vật trà tửu, dâng lên trước án, kính cẩn thưa trình:
Tiệc xuân đã mãn, Nguyên Đán đã qua, nay xin thiêu hóa kim ngân, lễ tạ Tôn thần, rước tiễn Tiên linh trở về âm giới.
Kính xin phù hộ độ trì cho con cháu được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng.
Chúng con lễ bạc cúi xin chứng giám.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Văn khấn rước ông bà tổ tiên theo sách Phong tục Cổ truyền Việt Nam của tác giả Hoàng Chương
Nam Mô Ngọc Hoàng Đại Đế Đại Thiên Tôn.
Nam Mô Diêu Trì Kim Mẫu Đại Từ Tôn.
Nam mô Chư vị Phật. Chư vị Bồ Tát.
Nam Mô Địa Mẫu Nương Nương.
Ngài Đương Niên Thái Tuế.
Chư vị Gia Thần.
Cửu Huyền Thất Tổ.
Chư vị Gia Tiên Nội Ngoại Hai Bên.
Hôm nay ngày mùng… tháng Giêng năm Ất Tỵ, đã hết ba ngày Tết.
Chúng con xin làm lễ chân thành kính đưa Cửu Huyền Thất Tổ, các vị Gia Tiên về an nghỉ nơi miền Tiên Cảnh. Mong các chư vị phù hộ cho gia đình con (khấn vái, thỉnh cầu tùy theo gia chủ).
Kính xin Ông Bà chứng giám.
(Nguồn: Người Lao Động tháng 02/2024).
Những lưu ý khi đọc văn khấn rước ông bà tổ tiên
Bạn nên lưu ý những điều dưới đây trong quá trình đọc văn khấn để buổi lễ diễn ra một cách trang trọng nhất:
- Văn khấn có thể được viết ra giấy để tiện theo dõi nhất là đối với những bài văn dài và khó nhớ.
- Trước khi tiến hành lễ cúng, người chủ lễ nên tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo chỉnh tề để thể hiện sự tôn kính đối với tổ tiên.
- Khi đọc văn khấn, gia chủ không cần đọc quá to, chỉ cần đọc đủ nghe, rõ ràng. Theo quan niệm, đọc to được xem là phạm húy và có thể mời gọi những linh hồn lưu vong bên ngoài đến tranh cỗ. Vậy nên gia chủ chỉ cần đọc to những lời nhắc nhở, lời dạy của các bậc tiền nhân hoặc những điều cần thông báo cho con cháu trong gia đình.
Lễ hóa vàng mùng 3 Tết là một trong những nét đẹp văn hóa, phản ánh rõ nét truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Qua bài văn khấn rước ông bà tổ tiên thành tâm, người Việt có thể bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với tổ tiên, những người đã gây dựng nên gia đình và dòng tộc.
Xem thêm
Tết đi chùa ngày nào đẹp nhất? 5 ngôi chùa linh thiêng ngay gần Hà Nội du xuân đầu năm
3 ngày tết cúng cơm mấy lần? Ý nghĩa và cách chuẩn bị mâm cơm cúng 3 ngày Tết Nguyên Đán 2025