Bạn muốn mở cửa hàng tạp hóa nhưng chưa biết tính giá bán lẻ như thế nào cho hợp lý? Đừng bỏ qua bài viết sau, Vinshop sẽ giới thiệu đến bạn các yếu tố chi phối giá bán lẻ tạp hóa và cách tính giá bán lẻ hàng tạp hóa hiệu quả, thu hút khách hàng, tối ưu lợi nhuận.
1. Các yếu tố quyết định đến giá bán lẻ tạp hóa
Chi phí hoạt động
Để xác định giá sản phẩm, bạn cần cộng chi phí hoạt động cần thiết để đưa sản phẩm ra thị trường.
- Nếu là hàng đặt mua, bạn sẽ biết giá của mỗi sản phẩm là bao nhiêu, đó là giá vốn hàng bán của bạn.
- Nếu tự sản xuất sản phẩm, bạn cần xác định chi phí nguyên vật liệu.
Một số chi phí bạn có thể phải chịu bao gồm:
- Giá vốn hàng bán
- Tiền thuê nhân công
- Chi phí đóng gói
- Chi phí quảng cáo
- Chi phí vận chuyển (lấy hàng, giao hàng)
- Chi phí mặt bằng (bao gồm tiền thuê mặt bằng, điện, nước, internet)
- Chi phí kho bãi
- Chi phí vật tư (kệ trưng bày, máy tính, máy quẹt thẻ, bàn, ghế, đồ trang trí cửa tiệm, tủ đông, tủ lạnh, phần mềm thống kê, quản lý hàng hóa, thu chi…)
Việc định giá hàng cần phải tính đến những chi phí này để mang lại lợi nhuận cho cửa tiệm của bạn.
Chiến lược kinh doanh
Chiến lược kinh doanh sẽ giúp bạn đi đúng hướng và nhất quán khi định giá, đồng thời phản ánh các giá trị thương hiệu của bạn.
Nên sử dụng mục tiêu kinh doanh của bạn làm kim chỉ nam cho chiến lược định giá sản phẩm. Hãy tự hỏi bản thân: Mục tiêu cuối cùng với sản phẩm này là gì? Muốn trở thành một nhà bán lẻ xa xỉ, chất lượng cao hay một thương hiệu bình dân, giá rẻ?
Khu vực kinh doanh
Kinh doanh ở thành thị thì giá bán sẽ cao hơn nông thôn vì vốn và chi phí cao hơn. Nếu bạn kinh doanh tại khu vực có nhiều đối thủ cạnh tranh thì mức giá không thể cao hơn họ quá nhiều. Nhưng nếu bạn có lợi thế độc quyền trong khu vực thì bạn hoàn toàn có thể đưa ra mức giá cao hơn.
Phân khúc ngành hàng và giá
Bạn cần xác định rõ phân khúc ngành hàng mình bán. Hàng hóa mỹ phẩm, đồ chơi, quà lưu niệm, văn phòng phẩm sẽ có tỷ suất lợi nhuận cao hơn các mặt hàng thiết yếu như ăn uống. Người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm nhập khẩu chất lượng cao từ Mỹ nên cần có phân khúc giá phù hợp.
Yếu tố cạnh tranh
Trước khi định giá, bạn cần nghiên cứu thị trường để biết giá sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Dựa trên đó, bạn có thể biết rõ ràng hơn về mức giá có thể chấp nhận được đối với người tiêu dùng, từ đó đưa ra mức giá phù hợp.
Chiến lược tiếp thị
Bạn phải tính toán trước và cân bằng chiến lược tiếp thị sản phẩm với giá cả để đạt được kết quả bán hàng tốt hơn.
Ví dụ: Nếu bạn muốn áp dụng chiến lược tiếp thị khuyến mãi giá thấp khi sản phẩm được tung ra, bạn nên tránh đặt giá gốc của sản phẩm quá thấp, để không bị lỗ khi khuyến mãi.
Điều kiện thị trường
Các nhà bán lẻ thường kiểm tra và thay đổi giá định kỳ dựa trên các biến số như nhu cầu và điều kiện thị trường. Điều kiện thị trường sẽ làm thay đổi rất nhiều thói quen tiêu dùng. Trong thời kỳ kinh tế suy thoái, người tiêu dùng sẽ ưa chuộng các sản phẩm giá rẻ, hợp túi tiền. Nếu muốn bán tốt một sản phẩm vào thời điểm này, nó cần phải được điều chỉnh giá cả thấp hơn.
Trong điều kiện thị trường khan hiếm hàng hóa, đứt gãy chuỗi cung ứng, hàng bạn đang bán sẽ trở nên có giá trị hơn. Bạn hoàn toàn có thể tăng giá, thậm chí tăng gấp hai, gấp ba.
Thực trạng phát triển của cửa hàng, doanh nghiệp
Các giai đoạn phát triển khác nhau của cửa hàng, doanh nghiệp sẽ có những yêu cầu khác nhau về doanh thu và lợi nhuận, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến việc định giá sản phẩm.
Ví dụ: Một công ty, cửa hàng khởi nghiệp có thể tham gia thị trường với giá sản phẩm thấp hơn trong giai đoạn đầu, hy sinh một phần lợi nhuận để đặt nền tảng phát triển lâu dài vững chắc.
Dự đoán phản ứng của thị trường
Trước khi bán một sản phẩm, ngoài việc tìm hiểu đầy đủ về thị trường hiện tại, cũng cần phải dự đoán phản ứng của thị trường đối với sản phẩm, để dành không gian cho việc điều chỉnh giá về sau.
2. Cách tính giá bán lẻ hàng tạp hóa
2.1. Xác định chi phí
Bạn cần thống kê toàn bộ chi phí bỏ ra mới có thể xác định được giá bán sản phẩm. Các chi phí cơ bản bao gồm:
- Chi phí nhập hàng: giá mua từ nhà cung cấp và chi phí vận chuyển về kho/cửa hàng của bạn.
- Chi phí thuê mặt bằng: tính theo hợp đồng thuê nhà đã ký.
- Chi phí kho bãi: trong trường hợp bạn cần 1 kho riêng bên ngoài cửa hàng để trữ hàng.
- Chi phí điện, nước, internet tại cửa hàng: tính trung bình hằng tháng theo hóa đơn.
- Chi phí đóng thuế cho nhà nước: có đóng thuế hay không và cần đóng bao nhiêu còn tùy thuộc hình thức và phương thức kinh doanh của bạn.
- Chi phí thuê nhân viên: cần dự trù tiền lương và thưởng, chi phí tăng ca, tiền trợ cấp…
- Chi phí vật tư: kệ trưng bày, máy tính, máy quẹt thẻ, bàn, ghế, đồ trang trí cửa tiệm, tủ đông, tủ lạnh,…
- Các chi phí biến đổi: tiền quảng cáo, chi phí đóng gói, giao hàng, phần trăm hoa hồng chia cho sàn thương mại điện tử khi bán online…
2.2. Phân tích phân khúc ngành hàng, chia nhóm sản phẩm
Từng nhóm mặt hàng khác nhau sẽ có tỷ suất lợi nhuận khác nhau (từ 1% – 20%). Do đó, chia hàng hóa thành các nhóm nhỏ sẽ giúp bạn dễ dàng định giá theo tỷ suất lợi nhuận phù hợp. Danh mục nhóm mặt hàng gồm có: hóa mỹ phẩm, thực phẩm, gia vị, nước ngọt, bánh kẹo, văn phòng phẩm, đồ chơi…
Trong từng nhóm hàng, bạn hãy chọn 1 số sản phẩm để giá mồi, giúp khách có trải nghiệm tâm lý mua hàng giá rẻ, các sản phẩm còn lại thì định giá như bình thường.
2.3. Tham khảo giá thị trường
Tham khảo giá từ đối thủ cạnh tranh
Để có thể thu hút và giữ chân khách mua hàng, bạn cần đảm bảo giá của mình không cao hơn đối thủ cạnh tranh. Nếu giá cao hơn, bạn phải có lợi thế khác bù vào như chất lượng sản phẩm vượt trội, vị trí cửa hàng đắc địa, dễ nhìn thấy hơn… Bạn hãy tham khảo nhiều cửa hàng khác trong khu vực để đưa ra mức giá hợp lý cho mình nhé!
Tham khảo từ khách mua hàng
Khách hàng cũng là 1 nguồn tham khảo giá mà bạn có thể áp dụng. Tuy nhiên, đa số họ chỉ nhớ giá của những sản phẩm thiết yếu, phổ biến. Bạn cũng nên chọn lọc thông tin nhận được, đề phòng trường hợp khách nhớ giá không chính xác hoặc cố tình cung cấp sai giá.
Tham khảo từ nhân viên kinh doanh cung cấp hàng tạp hóa
Nhân viên kinh doanh sẽ biết mức giá nào là hợp lý có thể áp dụng do họ nắm đầy đủ thông tin về sản phẩm và họ cũng là người làm việc trực tiếp với các đối thủ cạnh tranh của bạn.
2.4. Xác định giá bán lẻ
Bạn có thể xác định giá bán lẻ như sau:
Giá bán lẻ = Chi phí x (1 + Tỷ suất lợi nhuận mục tiêu)
Chi phí bao gồm giá vốn thực tế của hàng hóa cộng với chi phí vận chuyển cùng các chi phí khác (chi phí cố định và chi phí biến đổi). Việc tính tỷ suất lợi nhuận sẽ dựa trên các yếu tố quyết định đến giá bán lẻ tạp hóa đã nêu bên trên.
2.5. Điều chỉnh giá theo hiệu quả kinh doanh thực tế
Sau khi đã bán hàng được 1 thời gian, bạn cần theo dõi tình hình kinh doanh để kịp thời điều chỉnh giá theo tình trạng thực tế:
- Khách hàng không hài lòng với mức giá, giá cao khó cạnh tranh, số lượng hàng bán ra ít, không đạt chỉ tiêu => Điều chỉnh giảm giá bán.
- Mức giá quá thấp khiến tiệm phải chịu lỗ hoặc thu về lợi nhuận quá ít so với mục tiêu kỳ vọng => Điều chỉnh tăng giá, nên tăng dần dần để khách có thời gian thích ứng, không cảm giác rằng giá tăng 1 lúc quá nhiều.
Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã biết cách tính giá bán lẻ hàng tạp hóa chính xác, hiệu quả, thu hút khách hàng, tối ưu lợi nhuận. Đừng quên tải ứng dụng VinShop để nhập hàng nhanh chóng với giá cực ưu đãi từ nhà sản xuất và nhà phân phối chính thức nhé!