Làm mâm cúng ông Công ông Táo là một nét đẹp văn hóa truyền thống được nhiều gia đình Việt gìn giữ vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Năm nay, ngày ông Công ông Táo sẽ rơi vào ngày 22/01/2025. Đây là dịp để các gia đình chuẩn bị mâm cơm và nghi thức cúng chu đáo nhằm tiễn Táo quân về trời. Tuy nhiên, một câu hỏi được nhiều người quan tâm là: Nên cúng ông Công ông Táo ở bếp hay bàn thờ? Hãy cùng tìm hiểu thời gian và vị trí bày lễ phù hợp nhất để thể hiện lòng thành kính trong ngày lễ quan trọng này!
Ngày tốt, giờ đẹp nhất để làm mâm cúng ông Công ông Táo năm 2025
Việc chọn ngày, giờ đẹp để cúng ông Công ông Táo năm 2025 không chỉ giúp cho lễ cúng trở nên linh thiêng mà còn thể hiện tấm lòng thành, sự tôn kính của gia chủ đối với các vị thần linh. Bên cạnh đó, về mặt phong thủy, chọn ngày, giờ tốt còn ảnh hưởng tới vận khí, thu hút năng lượng tích cực, mang đến may mắn, tài lộc, bình an và thuận lợi khi tiến hành các công việc.
Dưới đây là ngày giờ tốt theo Âm lịch và Dương lịch để gia chủ tham khảo:
Ngày Âm lịch |
Ngày Dương lịch |
Giờ đẹp |
Ngày 19 tháng Chạp |
18/01/2025 |
Giờ Thìn (7h-9h), Ngọ (11h-13h), Mùi (13h-15h), Tuất (19h-21h). |
Ngày 20 tháng Chạp |
19/01/2025 |
Giờ Sửu (1h-3h), Mão (5h-7h), Ngọ (11h-13h), Thân (15h-17h), Dậu (17h-19h). |
Ngày 21 tháng Chạp |
20/01/2025 |
Giờ Dần (3h-5h), Mão (5h-7h), Tỵ (9h-11h), Thân (15h-17h), Tuất (19h-21h), Hợi (21h-23h). |
Ngày 23 tháng Chạp |
22/01/2025 |
Giờ Dần (3h-5h), Mão (5h-7h), Ngọ (11h-13h), Mùi (13h-15h), Dậu (17h-19h). |
Ngày giờ đẹp để làm lễ cúng ông Công ông Táo năm 2025 (Ảnh: Báo Dân Việt)
Lưu ý rằng, theo quan niệm dân gian, vào giờ Ngọ (11h – 13h) ngày 23 tháng Chạp các Táo quân cưỡi cá chép rời hạ giới để lên trời báo cáo Ngọc Hoàng về những việc đã xảy ra trong năm. Từ đó sẽ định đoạt thưởng phạt, công tội cho từng gia đình. Do đó, việc thực hiện lễ cúng trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp là phù hợp và nên tránh cúng quá muộn.
Cúng ông Công ông Táo ở bếp hay bàn thờ?
Có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề: Cúng ông Công ông Táo ở bếp hay bàn thờ? Tùy vào phong tục văn hóa của từng vùng miền và quan niệm của gia mình mà việc đặt mâm cúng ông Táo, ông Công ở đâu cũng có phần khác nhau.
Nhiều người cho rằng ông Công và ông Táo là 2 vị thần khác nhau. Lễ cúng 23 tháng Chạp là lễ tiễn chung ông Công ông Táo về chầu trời nên việc mọi người gộp chung cúng trên bàn thờ là chưa đúng. Ông Công (thổ công) là vị thần cai quản đất đai trong nhà nên được cúng trên bàn thờ chính. Ông Táo là 3 vị đầu rau trông coi việc bếp núc trong gia đình nên lễ cúng cần được tiến hành ở dưới bếp.
Đặt mâm cúng ông Công ông Táo tại gian bếp
Theo quan điểm trên, mâm cúng Táo quân sẽ được đặt trong bếp, nơi có ban thờ Táo quân, bên cạnh hoặc bên trên bếp. Nhiều gia đình miền Nam hay miền Tây vẫn thờ “Thần bếp” dưới bếp với mong muốn giữ cho căn bếp luôn ấm cúng, đỏ lửa, gia đình yên ấm, thuận hòa, no đủ.
Cúng ông Táo dưới bếp là phong tục dân gian của nhiều vùng miền (Ảnh: Báo Phụ nữ)
Đặt mâm cúng ông Công ông Táo trên bàn thờ gia tiên
Đối với những ngôi nhà hiện đại, thiết kế bếp không tiện cho việc đặt bàn thờ nên ít gia đình có ban thờ riêng cho ông Táo. Do đó, mâm cúng được đặt tại bàn thờ chính. Như vậy, việc đặt mâm lễ cúng ông Công ông Táo ở bếp hay bàn thờ gia tiên sẽ còn tùy thuộc vào kiến trúc và quan điểm của từng gia đình.
Theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương và Mai Văn Sinh chia sẻ: “Trong lễ cúng ông Công ông Táo, nếu gia đình có bàn thờ Táo quân thì thắp hương ở bàn thờ này. Nếu không có bàn thờ Táo quân riêng phải thắp hương ở bàn thờ gia tiên hoặc thần linh chứ không nên cúng lễ ở bếp. Từ xưa đến nay, ban thờ luôn được coi là ăng ten để giao tiếp giữa 2 thế giới âm dương, giữa người trần thế và thần linh”.
Với quan điểm này, nếu gia đình không có bàn thờ Táo quân riêng, mâm cúng nên được đặt trên bàn thờ gia tiên hoặc bàn thờ thần linh, giúp lễ cúng thêm phần trang nghiêm và linh thiêng. Trên bàn thờ chính của gia đình luôn có 3 bát hương:
- Bát hương ở giữa bao giờ cũng đều dành để thờ phụng các vị thổ công, long mạch, táo quân, tiền chủ, vị cai quản mảnh đất mình cư ngụ, cầu giúp gia đình ăn ở yên ấm.
- 2 bát hương 2 bên để thờ các vị trong gia tiên, tiền tổ.
Ngày 23 tháng Chạp là cúng chung 3 vị Thần Đất, Thần Nhà, Thần Bếp, dân gian gọi chung là Thần linh, Thổ địa. Vì vậy, việc hành lễ phải được tiến hành tại ban thờ chính - nơi trang nghiêm nhất chứ không thể thực hiện ở bếp. Bếp là nơi nấu nướng, chế biến thực phẩm nên nếu hành lễ ở đây sẽ thiếu trang trọng.
Mâm lễ cúng ông Công ông Táo trên bàn thờ gia tiên (Ảnh: Báo VnExpress)
Hiện nay chưa có một tài liệu nào quy định rõ ràng về việc vị trí đặt mâm lễ cúng ông Công, ông Táo sao cho đúng. Một số gia đình có điều kiện, ngoài mâm cơm để thờ thần linh vẫn chuẩn bị thêm một mâm cơm cúng ông Táo đặt dưới bếp cho tươm tất.
Cúng ông Công ông Táo năm 2025 là một nét văn hóa truyền thống đẹp, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc trong đời sống người Việt. Việc chuẩn bị lễ cúng chu đáo, dù ở bếp hay bàn thờ chính đều thể hiện lòng thành kính, tâm ý đối với các vị thần linh. Ngày ông Công ông Táo không chỉ là dịp để gia đình sum vầy mà còn là thời điểm để nhìn lại, cầu mong một năm mới bình an, yên vui. Hãy dành thời gian cùng nhau chuẩn bị mâm cúng ông Công ông Táo sao cho trọn vẹn nhất nhé!
Xem thêm
Vì sao phải cắm hoa ngày Tết bàn thờ? Những loại hoa nên và không nên chưng bàn thờ ngày Xuân
Có nên làm lễ cúng ông Công ông Táo trước ngày 23 tháng Chạp không?