Nhắc đến Tây Nguyên, người ta thường nhớ đến đại ngàn xanh thẳm, tiếng cồng chiêng vang vọng và những lễ hội đậm sắc bản địa. Nhưng với nhiều du khách, điều khiến họ nhớ mãi không quên chính là những đặc sản Đắk Lắk đậm đà, mộc mạc mà khó quên. Bài viết dưới đây sẽ gợi ý 10 món ăn mang đậm hương vị Tây Nguyên, đủ sức “níu chân” bất cứ ai từng ghé thăm mảnh đất này.
Tỉnh Đắk Lắk sau sáp nhập địa giới hành chính
Theo Nghị quyết 60-NQ/TW năm 2025 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Đắk Lắk sẽ được sáp nhập với tỉnh Phú Yên. Sau khi sáp nhập, tên gọi chính thức vẫn là tỉnh Đắk Lắk với trung tâm chính trị – hành chính đặt tại địa điểm hiện nay thuộc Đắk Lắk.
Phương án sáp nhập này được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển mới, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế biển. Với lợi thế cảng biển Vũng Rô (Phú Yên), các mặt hàng nông sản chủ lực của Đắk Lắk như cà phê, hồ tiêu, cao su,... sẽ được vận chuyển trực tiếp ra biển giúp rút ngắn thời gian và chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Sự kết hợp giữa vùng cao nguyên và duyên hải còn tạo điều kiện hình thành hành lang kinh tế Đông – Tây, kết nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ. Đây là tiền đề để phát triển các tuyến du lịch đa dạng, kết hợp giữa khám phá núi rừng và nghỉ dưỡng biển.

Phương án sáp nhập này được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển mới (Ảnh: Môi trường và xã hội)
Top 10 đặc sản Đắk Lắk ngon, nổi tiếng
Dưới đây là Top 10 đặc sản ngon, nổi tiếng mang đậm bản sắc Tây Nguyên mà bạn không nên bỏ qua khi có dịp ghé thăm vùng đất đại ngàn này.
Cà phê Buôn Ma Thuột
Đắk Lắk được mệnh danh là thủ phủ cà phê của Tây Nguyên. Nơi đây nổi tiếng với những hạt cà phê thơm lừng, đậm đà được trồng trên đất bazan màu mỡ, sau đó trải qua quy trình sản xuất tỉ mỉ, chuẩn chất lượng.
Không chỉ dừng lại ở cà phê hạt, người dân Đắk Lắk còn chế biến cà phê rang xay nguyên chất với hương thơm nồng nàn, vị đắng dịu và hậu ngọt quyến rũ, rất phù hợp để làm quà sau chuyến du lịch. Du khách có thể dễ dàng tìm mua tại các quán cà phê uy tín hoặc cửa hàng chuyên bán đặc sản địa phương.

Món quà đậm hương vị Tây Nguyên (Ảnh: Thương hiệu quốc gia - Báo Công Thương)
Mật ong hoa cà phê
Mật ong hoa cà phê là một trong những đặc sản nổi bật của Đắk Lắk được nhiều du khách lựa chọn làm quà sau chuyến đi. Loại mật này có màu cánh gián óng ánh, vị ngọt thanh, thơm nhẹ đặc trưng và gần như không bị xuống màu theo thời gian.
Được khai thác từ những cánh rừng cà phê nở rộ vào mùa xuân, mật ong hoa cà phê không chỉ có hương vị tuyệt hảo mà còn chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Nhờ dễ bảo quản và sử dụng linh hoạt, mật ong hoa cà phê rất phù hợp để mang về biếu tặng.

Đặc sản ngọt lành từ cao nguyên Đắk Lắk (Ảnh: Nông sản Lê Gia)
Bột ca cao
Không chỉ nổi tiếng với cà phê, Đắk Lắk còn chinh phục du khách bằng bột ca cao nguyên chất với hương vị quyến rũ. Ca cao tại đây được trồng trên vùng đất đỏ màu mỡ, chế biến thủ công nên giữ được vị đắng nhẹ, mùi thơm đặc trưng và màu sắc tự nhiên.
Bột ca cao Đắk Lắk không chỉ dùng để pha chế thức uống mà còn là nguyên liệu phổ biến trong làm bánh, kẹo. Đặc biệt, sản phẩm này chứa nhiều chất chống oxy hóa, hỗ trợ kiểm soát cân nặng nên rất được ưa chuộng làm quà tặng.

Đặc sản nguyên chất đậm đà tốt cho sức khỏe (Ảnh: Bột Cacao Đăk Lăk loại 1)
Mắc ca
Tuy chỉ mới xuất hiện trong khoảng hơn một thập kỷ, mắc ca Đắk Lắk đã nhanh chóng khẳng định vị thế là một trong những đặc sản làm quà được yêu thích bậc nhất. Nhờ khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, hạt mắc ca tại đây có vỏ nâu bóng, nhân vàng ươm, béo bùi và giàu dưỡng chất.

Hạt dinh dưỡng vàng, đặc sản nổi bật phố núi Ban Mê (Ảnh: Hạt Mắc Ca Đăk Lăk)
Cơm lam
Nhắc đến đặc sản Đắk Lắk, cơm lam là cái tên không thể thiếu. Món ăn dân dã này gắn liền với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và là biểu tượng cho sự gắn bó với núi rừng Tây Nguyên.
Món ăn dân dã mang hương vị của rẫy nương Tây Nguyên (Ảnh: Khu du lịch sinh thái Bản Đôn)
Cách làm cơm lam Đắk Lắk khá đơn giản nhưng đòi hỏi sự khéo léo. Gạo nếp rẫy được ngâm với nước suối và lá dứa qua đêm, sau đó trộn với chút muối rồi cho vào ống nứa tươi. Cuối cùng là công đoạn nướng cơm trong bếp tro hồng để hương tre thấm sâu vào từng hạt nếp.
Thành phẩm là những ống cơm thơm lừng, dẻo nhưng không nhão, đậm mùi nếp và thoang thoảng hương nứa. Cơm lam ngon nhất khi ăn kèm muối vừng, thịt nướng hoặc gà nướng bản địa. Món ăn rất phù hợp để mang về làm quà biếu hay thưởng thức ngay tại chỗ trong các phiên chợ địa phương hoặc nhà hàng dân tộc tại Buôn Ma Thuột.
Gà nướng Bản Đôn
Gà nướng Bản Đôn là một trong những đặc sản Đắk Lắk ngon nổi tiếng, hấp dẫn bất kỳ du khách nào. Món ăn được chế biến từ gà ta thả vườn, thịt chắc, ngọt tự nhiên. Gà sau khi sơ chế sẽ được ướp cùng mật ong rừng và các loại gia vị bản địa như mắc khén, sả rừng, ớt xanh rồi nướng trên bếp than hồng.
Gà chín tỏa mùi thơm lừng, da vàng ruộm, bên ngoài giòn nhẹ, bên trong mềm mọng, đậm vị. Khi ăn kèm muối tiêu chanh, rau rừng hoặc cơm lam hương vị càng thêm trọn vẹn. Nếu có dịp ghé Bản Đôn vào buổi chiều, ngồi quây quần bên bếp lửa, đợi gà chín và thưởng thức giữa không gian núi rừng, bạn sẽ hiểu vì sao món ăn này lại được yêu thích đến vậy.

Gà nướng Bản Đôn thơm lừng, vàng ruộm (Ảnh: VOV Live)
Thịt nai khô
Thịt nai khô là món đặc sản làm quà nổi bật của Đắk Lắk mang đến hương vị vừa lạ vừa quen. Nếu thịt bò khô đã quá quen thuộc thì nai khô lại hấp dẫn bởi sự mềm ngọt, ít gân, thơm tự nhiên và giàu dinh dưỡng. Miếng thịt nai được tẩm ướp gia vị đậm đà, sấy khô vừa tới để giữ được màu cánh gián đẹp mắt và vị ngọt nguyên bản của thịt rừng.
Món đặc sản này thường được xé nhỏ, ăn kèm tương ớt hoặc chấm muối tiêu chanh. Để mua được nai khô chất lượng mang về làm quá biếu, du khách nên chọn nơi uy tín, thịt còn mùi thơm tự nhiên, không bị khô cứng hay có dấu hiệu cũ.

Thịt nai khô Đắk Lắk thơm mềm, màu cánh gián bắt mắt (Ảnh: Kênh 14)
Rượu cần
Không chỉ là một thức uống truyền thống, rượu cần Đắk Lắk còn là biểu tượng cho sự gắn kết, tình nghĩa của người Tây Nguyên. Rượu được ủ từ gạo nếp địa phương hòa quyện cùng men lá rừng bí truyền mang đến hương vị ngọt dịu, xen lẫn vị đắng nhẹ, êm ái nhưng đầy sức lan tỏa. Khi uống, từng ngụm rượu lan tỏa trong cổ họng, ấm nồng và sảng khoái như chính cái tình của người bản địa.
Ngày nay, rượu cần đã được đóng chai tiện lợi để du khách dễ dàng mang về làm quà. Mỗi lít rượu cần Đắk Lắk có giá dao động từ 100.000 – 150.000 đồng, phù hợp để biếu tặng trong các dịp lễ tết hay sau chuyến du lịch.

Đặc sản làm quà gói trọn hương vị núi rừng Tây Nguyên (Ảnh: Rượu Cần Đaklak)
Bơ sáp
Nếu ghé Đắk Lắk vào đúng mùa, đừng bỏ lỡ cơ hội mang về những quả bơ sáp Đắk Lắk – loại trái cây đặc sản nổi tiếng cả nước. Bơ ở đây có thịt dày, dẻo, thơm ngậy và béo bùi, khi chín thường có hai loại: Bơ vỏ xanh và bơ vỏ tím. Theo kinh nghiệm dân gian, bơ sáp vỏ tím nhiều sáp hơn, vị béo ngậy hơn nên được ưa chuộng hơn cả.
Bơ sáp có thể dùng làm sinh tố, ăn kèm sữa đặc hoặc đơn giản là thưởng thức nguyên vị béo nhưng không ngấy, mát lành. Để làm quà, bạn nên chọn quả bơ hơi già, chưa chín hoàn toàn để tránh bị dập trong quá trình vận chuyển.

Món quà ngọt ngào từ đất đỏ bazan (Ảnh: Sở Công Thương Đắk Lắk)
Cà đắng
Một trong những món đặc sản không thể bỏ qua khi du lịch Đắk Lắk chính là cà đắng. Cà đắng không chỉ có mặt trong bữa cơm của người Ê Đê mà còn là nguyên liệu chế biến các món ăn đặc trưng mang đậm hương vị núi rừng.
Cà đắng dễ trồng, nhanh thu hoạch và dễ chế biến thành những món ngon như cà đắng om ếch, cà đắng hầm thịt, cà đắng nấu canh. Khi chọn mua cà đắng về làm quà, bạn nên tránh mua các quả có màu trắng vì đó là giống cà lai không phải cà đắng thuần Đắk Lắk.

Đặc sản sạch, tốt cho sức khỏe (Ảnh: FPT Shop)
Ẩm thực là cánh cửa mở lối vào văn hóa và thưởng thức đặc sản Đắk Lắk chính là cách nhanh nhất để du khách hiểu và yêu thêm vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió. Hi vọng những gợi ý trên sẽ giúp bạn có thêm lý do để đến, khám phá và hòa mình vào hương sắc ẩm thực của Đắk Lắk!
Xem thêm