Trong văn hóa truyền thống Việt Nam, những ngày đầu năm luôn được xem là thời điểm linh thiêng, đánh dấu khởi đầu cho một năm mới đầy kỳ vọng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng việc xin hay cho lửa, nước vào ngày đầu năm lại được coi là điều kiêng kỵ ngày Tết. Đằng sau những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt ấy là ý nghĩa sâu xa liên quan đến tài lộc, may mắn và quan niệm về sự đủ đầy trong gia đình.
Lý do không nên xin lửa, xin nước vào ngày đầu năm mới
Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Hoàng Anh - Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam để năm mới thuận lợi, nhiều may mắn và tài lộc, mỗi người cần đặc biệt lưu ý những điều kiêng kỵ ngày Tết như cho lửa, nước, muối, gạo... Đây là những yếu tố quan trọng không chỉ mang giá trị vật chất mà còn ẩn chứa ý nghĩa phong thuỷ sâu sắc.
Vào những ngày đầu năm, việc cho hoặc xin lửa, nước thường bị kiêng kỵ vì người ta lo ngại rằng điều này có thể làm mất đi tài lộc, vận may của gia đình. Để tránh điều không hay, nhiều gia đình sẽ hạn chế cho nước, lửa đồng thời cũng tránh xin hoặc mượn hai thứ này từ người khác như một cách ứng xử tinh tế, vừa giữ tài khí vừa tôn trọng quan niệm truyền thống.
Không cho lửa đầu năm
Trong ngũ hành, lửa (hoả) đại diện cho năng lượng mạnh mẽ, sự sống động và hi vọng. Lửa mang ánh sáng, hơi ấm, sự bùng nổ tích cực và may mắn. Đặc biệt, màu đỏ rực rỡ của lửa trong ngày Tết được xem là biểu tượng của hạnh phúc, tài lộc và sự khởi đầu đầy sức sống.
Trong đời sống hàng ngày, lửa đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt, thể hiện sự gắn kết và thịnh vượng. Tuy nhiên vào những ngày Tết Nguyên đán, người Việt thường kiêng kỵ cho lửa.
Hành động cho đi lửa, dù chỉ là chiếc bật lửa hay hộp diêm được quan niệm là cho đi vận may, tài lộc của chính mình. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến gia đình mà còn khiến sự may mắn trong năm mới bị giảm sút. Vì vậy để giữ lửa hạnh phúc và tài lộc, các gia đình tuyệt đối tránh việc cho lửa vào đầu năm.
Không cho nước đầu năm
Trong ngũ hành, nước (thuỷ) tượng trưng cho sự dịu êm, hiền hoà và nuôi dưỡng sự sống. Nước còn mang ý nghĩa phong thuỷ mạnh mẽ gắn liền với tài lộc và sự phát triển. Người ta thường ví von “tiền vào như nước” để diễn tả sự thịnh vượng, phát đạt.
Do đó, trong phong thủy ngày Tết, việc cho nước là điều kiêng kỵ. Quan niệm phong thuỷ cho rằng, nước đầu năm biểu trưng cho nguồn tài lộc đang chảy. Nếu cho nước đồng nghĩa với việc mang đi sự may mắn, thịnh vượng của chính mình.
Hành động này không chỉ ảnh hưởng đến gia đình trong công việc, làm ăn mà còn khiến vận xui có thể kéo đến. Vì thế, các gia đình thường tránh cho hoặc mượn nước để đảm bảo sự trọn vẹn trong năm mới.
Một số điều cần kiêng kỵ ngày Tết mà bạn cần lưu ý
Theo quan niệm xưa, có một số điều kiêng kỵ ngày Tết cần lưu ý để tránh tiêu hao tiền tài, giữ gìn hạnh phúc gia đình và đón một năm mới đầy may mắn, thịnh vượng.
Kiêng quét nhà, đổ rác vào ngày mùng 1 Tết
Theo phong tục truyền thống, việc quét nhà hay đổ rác vào ngày mùng 1 Tết được xem như hành động quét sạch tài lộc, may mắn ra khỏi nhà. Người ta tin rằng, khi gom rác và đổ đi, Thần Tài cũng theo đó mà rời đi khiến gia đình không giữ được phúc lộc. Do đó, vào ngày đầu năm, các gia đình thường quét dọn rác sang một góc nhưng sẽ để lại và chỉ dọn sau mùng 1 Tết.
Đặc biệt, sau khi dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón Tết, người ta thường cất kỹ chổi. Vì nếu mất chổi vào ngày mùng 1, điều đó được xem là điềm gở, dự báo năm mới có thể bị trộm mất của cải, tiền bạc tiêu tan.
Kiêng làm vỡ vật dụng
Những ngày đầu năm, việc làm vỡ đồ dùng như gương, bát đĩa, ấm chén... được xem là điềm không may. Theo quan niệm dân gian, sự đổ vỡ tượng trưng cho chia ly, bất hòa hoặc rạn nứt trong các mối quan hệ gia đình. Điều này cũng có thể dự báo về những xung đột, mất mát tài chính trong năm mới.
Chính vì vậy, mọi người thường cẩn thận trong việc sử dụng đồ dùng vào dịp Tết để tránh những rủi ro không đáng có với mong muốn năm mới thuận lợi và suôn sẻ.
Kiêng vay mượn tiền bạc đầu năm
Vào đầu năm mới, việc vay mượn tiền bạc hoặc cho người khác vay tiền là điều kiêng kỵ trong phong thủy ngày Tết. Người xưa quan niệm rằng, nếu cho vay hoặc đi vay đầu năm, cả năm đó gia chủ sẽ gặp khó khăn tài chính, làm ăn thất bát, luôn trong tình trạng túng thiếu và nợ nần.
Đặc biệt, việc cho vay tiền đồng nghĩa với việc “cho đi” tài lộc của mình, làm ăn không phát đạt. Vì vậy, mọi người thường tránh các hoạt động vay mượn vào ngày đầu năm để bảo toàn vận may và tài lộc.
Kiêng nói điều xui xẻo
Lời nói đầu năm được cho là ảnh hưởng đến những điều xảy ra trong suốt cả năm. Do đó, mọi người thường tránh các câu nói mang ý nghĩa xui xẻo như “chết mất”, “hết sạch”, “tiêu tan”...
Thay vào đó, các gia đình thường nói những lời hay ý đẹp, chúc nhau năm mới thịnh vượng, hạnh phúc và may mắn. Đồng thời, việc nói tục hay tranh cãi vào dịp Tết cũng là điều cấm kỵ để giữ không khí hòa thuận, vui vẻ trong năm mới.
Kiêng bỏ thừa thức ăn
Một điều kiêng kỵ trong ngày Tết là ăn uống không hết, bỏ thừa thức ăn. Quan niệm dân gian cho rằng điều này sẽ dẫn đến cảnh thiếu thốn, đói khát, tài chính eo hẹp hoặc mất mùa trong năm mới. Ngoài ra, mọi người cũng nên tránh chống đũa vào bát khi ăn vì điều này được cho là mang lại điềm xui trong công việc, kinh doanh.
Tuy nhiên, trong không khí tiệc tùng ngày Tết, việc bỏ thừa thức ăn là điều khó tránh. Để hóa giải, nhiều gia đình thường ăn các loại trái cây ngọt như cam, dưa hấu, xoài... để mang lại sự may mắn, thành công và bù đắp những điều không trọn vẹn.
Kiêng mặc quần áo màu đen, trắng
Vào những ngày đầu năm, mọi người thường chọn mặc những trang phục có màu sắc tươi sáng như đỏ hoặc vàng. Trong phong thuỷ ngày Tết, màu đỏ tượng trưng cho may mắn và hạnh phúc còn màu vàng biểu trưng cho sự thịnh vượng và tài lộc.
Ngược lại, hai màu đen và trắng được xem là tượng trưng cho tang tóc, vận xui. Vì vậy, các gia đình thường hạn chế mặc đồ đen hoặc trắng để tránh mang lại điều không may trong năm mới.
Kiêng đóng cửa nhà vào ngày đầu năm mới
Phong tục truyền thống cho rằng cửa chính là nơi đón thần linh, tài lộc vào nhà. Nếu đóng cửa vào ngày mùng 1 Tết, điều này sẽ cản bước chân Thần Tài và bị xem là bất kính với thần linh. Hệ quả là cả năm gia đình có thể gặp khó khăn, đói kém và thiếu may mắn. Do đó, các gia đình thường mở cửa để đón lộc, ánh sáng và năng lượng tích cực tràn vào nhà trong những ngày đầu năm.
Những kiêng kỵ ngày Tết là cách người xưa gửi gắm mong ước về một cuộc sống đủ đầy, viên mãn và may mắn. Do đó, việc hiểu và tôn trọng các truyền thống văn hóa ngày Tết là cách để gìn giữ giá trị tốt đẹp của dân tộc. Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc và áp dụng đúng cách để có một năm mới an lành.
Xem thêm
Nên cúng hóa vàng Tết Nguyên đán 2025 vào ngày mồng 3 hay mồng 7?
3 nguyên tắc treo câu đối ngày tết: Làm đúng, tiền vào như nước - làm sai, xui xẻo nguyên năm