Nước mắm Nam Ô là đặc sản Đà Nẵng nổi tiếng, gắn liền với nghề truyền thống làm nước mắm của người dân làng Nam Ô. Với hương vị mặn mà nhưng cũng có phần dịu ngọt, đây là lựa chọn hàng đầu của những người yêu thích ẩm thực Việt. Bên cạnh đó, sản phẩm này cũng rất phù hợp để mang về làm nước mắm làm quà cho bạn bè, người thân. Cùng tìm hiểu chi tiết về nước mắm Nam Ô ngay sau đây!
Giới thiệu về thương hiệu nước mắm Nam Ô
Làng Nam Ô nằm ở quận Hải Châu của thành phố Đà Nẵng. Ban đầu là một làng chài nhỏ, Nam Ô đã tận dụng nguồn cá cơm dồi dào từ vùng biển Đà Nẵng để phát triển nghề làm nước mắm. Theo thời gian, nghề này đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống và văn hóa của người dân địa phương. Nghề làm nước mắm tại Nam Ô được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác với những bí quyết gia truyền được giữ gìn cẩn thận.
Nước mắm ở Nam Ô từng được dùng làm sản vật tiến Vua, nổi tiếng với quy trình sản xuất thủ công tỉ mỉ, mang đến hương vị đặc trưng và màu sắc đậm như cánh gián. Năm 1958, nước mắm làng Nam Ô nhãn hiệu Hồng - Hương được Viện Pasteur công nhận là nguyên chất và hảo hạng. Năm 2009, sản phẩm này được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho Hội làng nghề nước mắm Nam Ô.

Nước mắm Nam Ô từng được dùng làm sản vật tiến Vua (Nguồn: Báo Thanh Niên)
Nghề làm nước mắm ở Nam Ô đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2019. Đây là sự ghi nhận cho những nỗ lực của người dân trong việc giữ gìn và phát triển nghề truyền thống.
Hiện nay, làng Nam Ô có nhiều cơ sở sản xuất nước mắm uy tín như:
- Nước mắm Bà Quý: Nổi tiếng với sản phẩm nước mắm nhĩ cá cơm nguyên chất, hàm lượng đạm cao và được sản xuất theo phương pháp cổ truyền.
- Nước mắm Hương Làng Cổ: Được biết đến với hương vị đậm đà, thơm ngon, sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và được nhiều người tiêu dùng tin tưởng.
- Nước mắm Hiệp Hải: Cung cấp đa dạng các loại nước mắm như mắm nêm, mắm nhĩ với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý.
Quy trình làm nước mắm truyền thống Nam Ô
Để tạo nên hương vị đặc trưng, đậm đà của nước mắm, người dân nơi đây đã gìn giữ và thực hành quy trình chế biến thủ công qua nhiều thế hệ.
Bước 1: Lựa chọn nguyên liệu và muối cá
Thành phần cốt lõi tạo nên vị ngon đặc trưng của nước mắm Nam Ô chính là cá cơm than - một loại cá nhỏ, thân đen, có kích thước tương đương ngón tay út. Mùa đánh bắt lý tưởng của loại cá này rơi vào khoảng tháng 3 âm lịch hằng năm khi cá đạt độ béo, tươi ngon nhất.

Thành phần cốt lõi tạo nên vị ngon đặc trưng của nước mắm làng Nam Ô là cá cơm than (Nguồn: Vinpearl)
Một điểm thú vị trong kỹ thuật của người dân Nam Ô là cá sau khi đánh bắt không rửa bằng nước ngọt. Theo kinh nghiệm truyền lại, việc này giúp giữ nguyên độ đạm và mùi vị tự nhiên của cá. Kết hợp cùng cá là muối Cà Ná - loại muối hạt to, trắng đều và được phơi kỹ và hoàn toàn không bị nhiễm nước mưa, đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình lên men.
Bước 2: Xếp lớp và ủ cá trong chum sành
Sau khi muối, cá sẽ được xếp xen kẽ từng lớp cá - muối vào các chum sành lớn. Mỗi chum đều được đặt ở vị trí thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp nhưng không ẩm thấp nhằm tạo điều kiện lý tưởng cho quá trình lên men. Trên thân chum, người làm nghề sẽ ghi rõ ngày bắt đầu ủ để theo dõi chính xác thời gian ủ.
Bước 3: Chiết rút nước mắm nhĩ thủ công
Sau khoảng 12 đến 18 tháng ủ lên men tự nhiên, các chum cá sẽ bước vào giai đoạn chắt lọc để thu được những giọt nước mắm nguyên chất đầu tiên hay còn gọi là nước mắm nhĩ.
Người dân nơi đây sử dụng phương pháp lọc truyền thống: Đặt một chiếc “vuột tre” - dụng cụ có hình dáng giống chiếc phễu, phía trên một tấm vải mỏng sạch rồi cho nước mắm từ từ nhỏ giọt xuống thau bên dưới. Cách lọc này giúp giữ lại độ trong của nước mắm và tránh làm đục hoặc lẫn tạp chất.

Nước mắm được lọc sau thời gian ủ từ 12 - 18 tháng (Nguồn: Vinpearl)
Bước 4: Tiếp tục ủ nước mắm đã lọc để hoàn thiện
Không giống như một số nơi khác đóng chai ngay sau khi lọc, người Nam Ô sẽ tiếp tục cho phần nước mắm đã rút được vào các chum sành mới để ủ thêm một thời gian nữa. Trong quá trình này, chum được đậy kín bằng vải sạch để giữ độ thoáng nhưng vẫn ngăn bụi bẩn. Giai đoạn này giúp tạo nên sản phẩm cuối cùng có màu nâu cánh gián óng đẹp, hương thơm tự nhiên và vị mặn mà.
Điều gì làm nên sự khác biệt giữa nước mắm Nam Ô so với các loại nước mắm khác?
Sự khác biệt của nước mắm Nam Ô so với các loại nước mắm khác đến từ nguyên liệu, quy trình sản xuất và hương vị đặc trưng.
- Nguyên liệu chọn lọc từ thiên nhiên: Nước mắm Nam Ô được chế biến từ cá cơm than tươi, đánh bắt vào khoảng tháng 3 âm lịch khi cá đạt độ đạm cao nhất. Muối sử dụng để ướp cá là muối Cà Ná hoặc Sa Huỳnh và được phơi khô kỹ càng để loại bỏ tạp chất.
- Quy trình sản xuất thủ công truyền thống: Khác với nhiều nơi sử dụng thùng gỗ lớn, người dân Nam Ô ủ cá trong chum sành. Quá trình ủ chượp kéo dài từ 12 đến 18 tháng trong điều kiện tự nhiên, không sử dụng bất kỳ chất phụ gia hay hương liệu nào.
- Hương vị đậm đà, đặc trưng: Nước mắm Nam Ô có màu nâu cánh gián, sánh mịn và mùi thơm nồng đặc trưng của cá cơm lên men. Vị mặn đậm đà, hậu ngọt tự nhiên, không gắt tạo nên hương vị khó quên cho người thưởng thức. Hàm lượng đạm cao, từ 30 đến 40 độ.

Nước mắm làng Nam Ô được ủ trong chum sành (Nguồn: Hana)
Cách dùng nước mắm Nam Ô trong bữa cơm gia đình Việt
Với hương vị đậm đà, thơm ngon đặc trưng, sản phẩm này đã góp mặt ở nhiều bữa cơm của gia đình. Nước mắm thường được sử dụng trực tiếp hoặc pha chế thành nước chấm cho các món ăn như:
- Thịt luộc, cá hấp, rau luộc: Chấm cùng nước mắm nguyên chất hoặc pha thêm tỏi, ớt, chanh, đường để tăng hương vị.
- Nem rán, chả giò: Pha nước mắm chua ngọt để chấm giúp món ăn thêm đậm đà và hấp dẫn.
- Bánh tráng cuốn thịt heo: Nước mắm Nam Ô là thành phần không thể thiếu để tạo nên hương vị đặc trưng cho món ăn này.
Nước mắm cũng được sử dụng để nêm nếm trong quá trình chế biến các món ăn:
- Món kho: Thêm nước mắm vào giai đoạn cuối của quá trình nấu để giữ được hương vị đặc trưng và tránh làm thịt bị cứng.
- Món xào: Nêm nước mắm vào khi món ăn gần chín để giữ được hương thơm tự nhiên.
- Món canh: Cho nước mắm vào sau khi canh đã chín và chuẩn bị bắc ra khỏi bếp, tránh đun sôi lâu để không làm mất đi hương vị đặc trưng của nước mắm.
Để bảo quản nước mắm, bạn nên để chai ở nơi khô ráo, thoáng mát. Nếu muốn bảo quản lâu hơn, bạn có thể để trong ngăn mát tủ lạnh. Tuy nhiên sau khi mở nắp, bạn nên sử dụng nước mắm trong vòng 12 tháng để đảm bảo chất lượng và hương vị tốt nhất.
Nước mắm được sử dụng trực tiếp hoặc pha chế thành nước chấm (Nguồn: Ẩm Thực)
Mẹo chọn mua nước Nam Ô ngon và nguyên chất
Để đảm bảo chọn được chai nước mắm ngon và nguyên chất, bạn có thể dựa vào những tiêu chí sau:
- Độ đạm cao từ cá cơm: Độ đạm của nước mắm truyền thống thường dao động từ 25 đến 35 độ, loại đặc biệt có thể lên đến 43 độ. Để kiểm tra, bạn có thể đọc thông tin trên bao bì hoặc hỏi trực tiếp người bán.
- Màu sắc trong suốt, không vẩn đục: Nước mắm ngon thường có màu nâu vàng, nâu đỏ, vàng rơm hay cánh gián trong suốt, không vẩn đục. Khi dốc ngược chai, nếu thấy nước mắm trong và không có cặn lạ, đó là dấu hiệu của sản phẩm chất lượng.
- Mùi vị thơm dịu, mặn ngọt hài hòa: Nước mắm Nam Ô ngon có mùi thơm dịu nhẹ, không hắc hay gắt. Khi nếm, bạn sẽ cảm nhận được vị mặn nhẹ ở đầu lưỡi, sau đó là vị ngọt hậu lan tỏa ở cổ họng. Nếu nước mắm có vị ngọt lạ hoặc mặn chát có thể do sử dụng chất phụ gia hoặc độ đạm thấp.
- Thành phần đơn giản, không chứa phụ gia: Nước mắm truyền thống thường chỉ có hai thành phần chính: Cá cơm tươi và muối biển. Nếu trên nhãn mác có ghi thêm các chất bảo quản, phẩm màu hay hương liệu, bạn nên cân nhắc trước khi mua.
- Nguồn gốc và thương hiệu rõ ràng: Khi mua nước mắm Nam Ô, bạn nên chọn sản phẩm từ những cơ sở sản xuất uy tín, có thông tin rõ ràng về nguồn gốc và quy trình sản xuất.

Bạn nên chọn nước mắm Nam Ô từ những cơ sở sản xuất uy tín (Nguồn: VOV)
Với quy trình sản xuất thủ công tỉ mỉ và nguyên liệu tự nhiên, nước mắm Nam Ô đã khẳng định giá trị đặc biệt của mình. Dù là để nêm nếm món ăn hay làm thành món quà đặc trưng, nước mắm truyền thống này luôn mang đến hương vị đậm đà khó quên. Đừng quên mua nước mắm làm quà cho những người thân yêu khi ghé thăm Đà Nẵng!
Xem thêm
Nước mắm Ba Làng loại nào ngon nhất và nổi tiếng trên thị trường?