Cúng Tất niên 2025 là dịp để các gia đình Việt vừa thể hiện lòng thành kính với ông bà, tổ tiên, vừa cùng nhau tận hưởng những giây phút quây quần bên mâm cơm. Hãy cùng tìm hiểu chuỗi các hoạt động không nên bỏ qua trong ngày cúng Tất niên ngay sau đây.
Ngày lễ tất niên là gì?
Theo nghĩa Hán Việt, "tất" có nghĩa là hết hoặc hoàn thành, còn "niên" là năm. Ý nghĩa của "tất niên" đơn giản là kết thúc năm. Do vậy, ngày lễ tất niên được tổ chức nhằm mục đích ghi nhận mốc sự kiện kết thúc một năm và chuẩn bị bước sang năm mới.
Những việc nên làm trong ngày cúng Tất niên 2025
Trong ngày đặc biệt này, các gia đình thường làm mâm cúng Tất niên để bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên, ông bà và những người đã khuất, đồng thời cầu mong một năm mới an lành. Tuy nhiên, ngoài mâm cúng thì còn 4 việc nên làm vào ngày này.
Cúng Tất niên 2025 ngày và giờ tốt nhất
Theo tín ngưỡng dân gian, ngày tất niên thường rơi vào ngày 30 Tết (Âm lịch). Tuy nhiên, năm 2025 là một năm đặc biệt khi không có ngày 30 Tết. Vì vậy, lễ Tất niên sẽ rơi vào ngày Thứ Ba, 28/01/2025, tức ngày 29 tháng Chạp năm Giáp Thìn.
Trong ngày này, mâm cúng tất niên thường được mỗi gia đình chuẩn bị vào buổi chiều hoặc tối ngày cuối năm. Sau khi dâng lên tổ tiên, gia chủ sẽ mời các thành viên trong gia đình cùng nhau dùng bữa.
Lưu ý: Mỗi vùng miền lại có những phong tục riêng và không nhất thiết phải tổ chức lễ cúng Tất niên vào ngày 29 Tết. Theo các chuyên gia phong thủy, nghi lễ có thể được thực hiện từ ngày 23 tháng Chạp (sau khi tiễn ông Táo lên trời).
Một số ngày tốt để tiến hành lễ cúng Tất niên 2025:
- Ngày 23/12/2024 Âm lịch, tức ngày 22/01/2025 Dương lịch.
- Ngày 25/12/2024 Âm lịch, tức ngày 24/01/2025 Dương lịch.
- Ngày 28/12/2024 Âm lịch, tức ngày 27/01/2025 Dương lịch.
Cúng đón ông Táo về nhà
Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người Việt Nam khắp nơi đều nô nức chuẩn bị lễ cúng ông Công ông Táo. Đây là ngày mà Táo Quân sẽ cưỡi cá chép lên thiên đình để báo cáo với Ngọc Hoàng về những việc làm ở hạ giới trong suốt một năm qua.
Sau 7 ngày, tức ngày 30 Tết, gia đình cần thành tâm chuẩn bị lễ vật để đón ông Táo về nhà. Tuy nhiên, nhiều người vì bận rộn với công việc cuối năm mà quên mất nghi lễ quan trọng này.
Do đó, lễ cúng ông Táo là một nghi thức quan trọng không thể thiếu trong ngày cúng Tất niên 2025. Thường thì gia đình sẽ tiến hành lễ cúng vào khoảng 23:00 - 23:45, trước lễ cúng Giao thừa. Các lễ vật cần chuẩn bị cũng tương tự như khi tiễn ông Táo về trời, bao gồm:
- 2 mũ ông (có 2 cánh chuồn) và 1 mũ bà (không có cánh chuồn).
- 3 bộ áo.
- Đầy đủ 3 bộ quần áo, hài.
- Tiền vàng.
- Hương, nến.
- Hoa tươi.
Tắm lá mùi cuối năm
Tắm lá mùi vào ngày cuối năm là một phong tục đẹp, đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Người xưa tin rằng, việc tắm lá mùi sẽ giúp xua đuổi tà khí, mang lại may mắn. Ở góc độ khoa học, lá mùi có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giúp làn da khỏe mạnh và tinh thần sảng khoái.
Hương thơm của lá mùi còn giúp giảm stress, cải thiện giấc ngủ, làm dịu các cơn đau đầu,... Với những lợi ích đáng giá như vậy, tắm lá mùi nghiễm nhiên trở thành một phần không thể thiếu trong chuỗi hoạt động của ngày lễ Tất niên.
Đi tảo mộ cuối năm
Vào sáng 29 Tết Ất Tỵ, một trong những hoạt động quan trọng của người Việt Nam là tạ mộ. Trong khi các bà, các mẹ tất bật chuẩn bị mâm cúng Tất niên, cánh đàn ông lại cùng nhau mang theo hương hoa, vàng mã ra nghĩa trang để tạ mộ tổ tiên. Mộ phần đã được dọn dẹp sạch sẽ, mọi người chỉ việc bày biện lễ vật và thành tâm cúng bái.
Theo chuyên gia Nguyễn Khắc Hiếu (Công ty TNHH kiến trúc phong thủy Việt Nam), lễ tạ mộ tại nghĩa trang có nơi thờ thần linh, thổ địa riêng thì cần chuẩn bị lễ cúng cho cả hai nơi. Lễ vật và nghi thức có thể điều chỉnh tùy theo phong tục địa phương. (Nguồn: Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống, tháng 02/2018)
- Lễ tạ mộ truyền thống: Lễ vật thường đơn giản gồm hương, hoa tươi, trầu cau, quả, thuốc lá, chè, rượu trắng và vàng mã (nếu có). Vàng mã có thể là áo quần, phù hợp với từng vong linh. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng vàng mã. Cỗ mặn chỉ nên dâng ở miếu thần linh, không đặt lên mộ phần.
- Thời điểm tạ mộ: Trời đã tạnh ráo, ấm áp. Tránh đi tạ mộ quá sớm hoặc quá muộn, dễ nhiễm âm khí gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Đối tượng không nên đi tạ mộ: Phụ nữ đang mang thai, người có sức khỏe yếu, trẻ em dưới 10 tuổi,...
- Thái độ và hành vi khi đi tạ mộ: Không nên nô đùa, ngồi lên mộ. Hãy thăm hỏi tất cả các mộ phần trong dòng họ và những mộ vô chủ.
Ăn bữa cơm đoàn viên cùng cả gia đình
Mâm cơm Tất niên không chỉ là bữa ăn cuối cùng của năm cũ mà còn là cơ hội để cả gia đình quây quần, cùng nhau kể những câu chuyện vui buồn trong một năm qua. Là thời khắc quý giá, cả năm chỉ có một lần nên dù bận rộn đến đâu thì bạn cũng chớ nên bỏ qua bữa cơm đoàn viên.
Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã biết tất niên là gì và những việc nên làm trong ngày cúng Tất niên 2025. Mỗi hoạt động đều mang ý nghĩa sâu sắc, gửi gắm những lời cầu chúc tốt đẹp cho năm mới. Chúc bạn và gia đình sẽ có một đại lễ Tết Nguyên Đán trọn vẹn và hạnh phúc nhất.
Xem thêm