Nếu bạn từng say mê hương vị chua cay đặc trưng của tré Bình Định hẳn sẽ hiểu vì sao món ăn này luôn góp mặt trong mâm cỗ ngày Tết, giỗ chạp hay dịp sum họp ở miền Trung. Không chỉ là đặc sản Bình Định nổi tiếng, tré còn mang đậm tinh thần ẩm thực dân dã nhưng đầy sáng tạo.
Bài viết dưới đây sẽ bật mí cách làm tré ngon tại nhà cùng những biến tấu mới lạ giúp bạn "đổi gió" khẩu vị. Ngoài ra, nếu không có thời gian chế biến, bạn hoàn toàn có thể mua tré đóng gói bán sẵn, tiện lợi mà vẫn chuẩn vị. Hãy cùng khám phá bí quyết làm nên sức hút của món ăn ngày lễ miền Trung này nhé!
Giới thiệu món tré đặc trưng miền Trung – món nhậu và quà tặng ngày Tết.
Tré Bình Định là đặc sản của miền Trung, thuộc dòng thịt muối lên men. Món ăn này thường xuyên xuất hiện trong các dịp lễ Tết, giỗ chạp, cưới hỏi hay những buổi tiệc sum họp gia đình.
Thành phần chính của tré gồm: Tai heo, thịt ba chỉ, riềng, tỏi và thính gạo rang. Sau khi trộn đều, hỗn hợp được cuộn chặt trong lá chuối hoặc rơm khô để bảo quản. Khi ăn, tré thường được dùng kèm với bánh tráng, rau sống và nước chấm chua ngọt để tăng thêm phần hấp dẫn.
Hương vị của tré Bình Định có sự hòa quyện đầy tinh tế giữa vị mặn mà của thịt muối, vị chua nhẹ từ quá trình lên men tự nhiên, cái giòn sật của bì heo cùng mùi thơm cay nồng đặc trưng của riềng, tỏi. Tất cả mang đến một trải nghiệm ẩm thực tròn vị, vừa lạ miệng vừa gần gũi.
Ngày nay, bên cạnh hình thức truyền thống, tré còn được chế biến theo nhiều biến tấu sáng tạo để phù hợp với khẩu vị hiện đại. Bạn cũng có thể dễ dàng thưởng thức món ăn này với các loại tré đóng gói bán sẵn, tiện lợi nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng. Dù là tự tay chế biến hay chọn mua sẵn, một khi đã thưởng thức món đặc sản Bình Định này, hẳn bạn sẽ khó lòng quên được.

Tré là món ăn ngày lễ miền Trung nổi tiếng được người dân và du khách yêu thích (Ảnh: Vinpearl)
Cách làm tré Bình Định tại nhà bằng nguyên liệu dễ kiếm
Tré Bình Định không chỉ hấp dẫn bởi hương vị đặc trưng mà còn bởi cách chế biến đơn giản, nguyên liệu dễ tìm và không cần đến kỹ thuật nấu ăn quá phức tạp. Nếu bạn yêu thích món ăn ngày lễ miền Trung này và muốn tự tay thực hiện tại nhà hãy cùng khám phá cách làm tré Bình Định dưới đây.
Nguyên liệu
- Tai heo: 500g
- Thịt ba chỉ: 300g
- Da heo: 100g
- Mè rang (vừng): 50g
- Thính gạo: 30g
- Lá chuối: 5 lá (để gói tré)
- Lá ổi non: 10 lá (tăng hương thơm, khử mùi)
- Gừng: 20g
- Hành tím: 20g
- Tỏi: 20g
- Riềng: 40g
- Ớt tươi: 20g (tùy khẩu vị có thể điều chỉnh)
- Gia vị cơ bản: 10g (gồm đường trắng, hạt nêm, tiêu, nước mắm, giấm và muối)

Nguyên liệu chính làm món tré Bình Định (Ảnh: Điện máy Xanh)
Cách thực hiện
Bước 1. Sơ chế và luộc thịt
- Rửa tai, da heo, thịt ba chỉ với nước muối pha loãng, sau đó chà với hỗn hợp muối, giấm trong 10 phút rồi xả sạch để loại bỏ mùi hôi hiệu quả, để ráo.
- Bắc nồi nước sôi, cho vào gừng đập dập, hành tím, 1 thìa cà phê muối và 20ml giấm trắng.
- Luộc thịt ba chỉ và da heo khoảng 30–40 phút với lửa vừa.
- Luộc tai heo riêng khoảng 45 phút đến khi chín mềm.
- Vớt tất cả ra, cho ngay vào tô nước đá lạnh để thịt giòn và không bị thâm.
- Sau khi nguội, cắt sợi mỏng tất cả nguyên liệu.
Bước 2. Trộn nguyên liệu làm tré
- Băm nhỏ tỏi, riềng, ớt tươi cho vào tô lớn cùng thịt ba chỉ, tai heo, da heo đã cắt sợi.
- Nêm đường, tiêu, hạt nêm, 3 thìa nước mắm, 2 thìa mè rang rồi trộn đều.
- Rắc khoảng 4–5 thìa thính gạo rang vào, tiếp tục trộn cho các nguyên liệu hòa quyện và khô ráo.
Bước 3. Gói tré
- Lá chuối rửa sạch, cắt miếng vuông 25–30cm.
- Lá ổi non rửa sạch, để ráo.
- Trải lá chuối ra mặt phẳng, đặt 1 lá ổi vào giữa. Cho một phần hỗn hợp tré lên trên rồi cuộn chặt lại.
- Dùng dây lạt hoặc dây nilon buộc chặt 2 đầu cây tré.
- Để tré ở nơi thoáng mát 2–3 ngày cho lên men tự nhiên. Có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh thêm 5–7 ngày sau khi tré chín.
Bước 4: Thưởng thức
- Tré sau khi lên men có màu vàng nâu đẹp mắt, mùi thơm đặc trưng của riềng và thính.
- Khi ăn, bóc lớp lá bọc, dùng đũa đánh tơi phần tré, cuốn cùng bánh tráng, rau sống, dưa leo, khế chua và chấm nước mắm tỏi ớt.

Cách làm tré ngon chuẩn vị như người Xứ Nẫu chính gốc (Ảnh: Điện máy Xanh)
Biến tấu tré Bình Định thành các món ăn khác
Dưới đây là một số cách biến tấu món tré thành các món ăn khác giúp bạn thưởng thức hương vị đặc sản này theo những cách mới lạ.
- Tré trộn: Món ăn này kết hợp tré với các nguyên liệu như nem chua, cóc non, xoài xanh, dưa chuột, trứng cút, tỏi, ớt và rau răm với hương vị chua cay mặn ngọt hài hòa. Đây là món ăn lý tưởng cho những buổi tụ họp bạn bè hoặc làm món khai vị trong các bữa tiệc gia đình.
- Tré cuốn bánh tráng:Một cách thưởng thức khác là cuốn tré với bánh tráng cùng các loại rau sống như xà lách, rau thơm, dưa leo và xoài thái sợi. Món ăn này không chỉ giữ được hương vị đặc trưng của tré mà còn bổ sung thêm độ giòn, tươi mát từ rau củ đêt tạo nên sự cân bằng hoàn hảo. Chấm cùng nước mắm chua ngọt, tré cuốn bánh tráng trở thành món ăn nhẹ nhàng nhưng đầy đủ hương vị.
- Gỏi tré: Gỏi tré là sự kết hợp giữa tré và các nguyên liệu như chả lụa, chả bò, cóc non, xoài xanh, dưa leo, tỏi, ớt, rau răm và đậu phộng rang. Món ăn này mang đến hương vị đậm đà, chua cay, giòn sật, thích hợp làm món nhậu hoặc món chính.

Tré có thể kết hợp với đa dạng nguyên liệu, tạo nên món ăn thanh mát và hấp dẫn (Ảnh: Knorr)
Hướng dẫn bảo quản và đóng gói tré để bán online hoặc mang đi xa
Do tré là món ăn lên men nên việc bảo quản đúng cách là yếu tố then chốt để đảm bảo tré đóng gói bán sẵn giữ được hương vị chuẩn và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cách bảo quản
Ở nhiệt độ cao, tré dễ bị chua gắt và nhanh hỏng. Ngược lại, nếu chưa đủ thời gian lên men, tré sẽ nhạt vị. Tốt nhất nên sử dụng tré sau 2 ngày kể từ khi sản xuất và bảo quản nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.
Muốn giữ tré lâu không hỏng hãy bảo quản trong ngăn mát (0–10 độ C) và dùng trong vòng 1 tuần. Nếu cần bảo quản lâu hơn nên để trong ngăn đông ở nhiệt độ -10 đến -20 độ C để làm chậm quá trình lên men.
Cách đóng gói
Khi đóng gói tré Bình Định để giao hàng hoặc mang đi xa cần đảm bảo các yếu tố sau:
- Lớp bọc hút chân không:Giúp tré giữ được độ tươi, ngăn mùi lan ra ngoài và tránh nhiễm khuẩn trong quá trình vận chuyển.
- Thùng xốp giữ nhiệt (nếu vận chuyển xa):Đảm bảo nhiệt độ ổn định, đặc biệt khi đi tỉnh hoặc gửi đường xa.
- Gói kèm đá gel làm mát: Trong trường hợp cần giữ nhiệt độ thấp trong 6–8 giờ.
- Tem nhãn rõ ràng: Bao gồm thông tin ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản và thông tin cơ sở sản xuất.

Tré được hút chân không và bao gói cẩn thận để đảm bảo chất lượng (Ảnh: Sunny Food)
Gợi ý set combo tré – rượu Bàu Đá làm quà tặng địa phương
Nếu muốn tìm một món quà vừa mang đậm dấu ấn vùng miền, vừa độc đáo và tinh tế, set combo tré Bình Định kết hợp với rượu Bàu Đá chính là lựa chọn hoàn hảo. Không chỉ đơn thuần là đặc sản, đây còn là biểu tượng của văn hóa ẩm thực xứ võ.
Tré có hương vị chua cay, mặn ngọt hài hòa khi kết hợp cùng vị nồng nhẹ, thanh thoát của rượu Bàu Đá sẽ tạo nên một trải nghiệm ẩm thực trọn vẹn. Đây cũng là sự kết hợp lý tưởng trong các bữa tiệc, dịp sum họp hay món ăn ngày lễ miền Trung.
Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất tré đóng gói bán sẵn đã chủ động thiết kế các set quà gồm tré hút chân không, rượu Bàu Đá chai sành kèm túi giấy hoặc hộp quà trang nhã. Hình thức này vừa tiện lợi vừa sang trọng, phù hợp để mang đi xa, làm quà tặng người thân, đối tác hoặc gửi biếu dịp Tết, lễ hội, hội nghị hay chương trình xúc tiến thương mại địa phương.
Rượu Bầu Đá là đặc sản Bình Định nức tiếng, phù hợp làm quà biếu tặng (Ảnh: Quốc tửu)
Dù tự tay chế biến tại nhà hay chọn mua tré đóng gói bán sẵn, món tré Bình Định vẫn luôn giữ được hương vị chua thanh, đậm đà gia vị. Với cách làm tré ngon đơn giản cùng những biến tấu sáng tạo trong bài viết, bạn hoàn toàn có thể mang món ngon này vào mâm cơm gia đình. Thử ngay để cảm nhận trọn vẹn tinh hoa ẩm thực miền Trung qua từng miếng tré hấp dẫn nhé!
Xem thêm