Đền Ông Hoàng Mười từ lâu đã trở thành một địa điểm linh thiêng, thu hút đông đảo người dân đến hành hương và chiêm bái. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về sự tích đền Ông Hoàng Mười và những điều cần biết khi đến đây. Đi đền Ông Hoàng Mười cầu gì để cả năm buôn bán thuận lợi? Hãy cùng khám phá lịch sử của ngôi đền này và tìm hiểu về những lộc Ông Hoàng Mười mang lại cho người làm nghề buôn bán và kinh doanh nhé!
Nhập hàng tạp hóa dễ dàng - giá ưu đãi!
Sự tích đền Ông Hoàng Mười
Đền Ông Hoàng Mười không chỉ thu hút du khách bởi kiến trúc độc đáo mà còn có những câu chuyện huyền bí xoay quanh vị thần được thờ phụng tại đây.
Theo tích xưa kể lại, Ông Hoàng Mười là quan lớn của Thiên Đình, thần tiên chốn Đào Nguyên. Nhận thấy nhân gian còn nhiều cơ cực, đói kém nên ông đã giáng trần để giúp đỡ nhân dân trong các công việc buôn bán, kinh doanh. Người dân tin rằng, Ông Hoàng Mười có khả năng ban phát tài lộc giúp công việc làm ăn thuận lợi và thịnh vượng.
Còn theo các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Việt, Ông Hoàng Mười là sự “thần thánh hóa” một nhân vật có thực trong đời sống xa xưa, một người anh hùng có công với nhân dân. Về nhận định này, có nhiều dị bản khác về cuộc đời của Ngài.
- Sử sách vùng Nghệ Tĩnh cho rằng Ông Hoàng Mười chính là Lê Khôi, vị tướng tài của Lê Lợi trong cuộc chiến chống quân Minh và sau này làm quan lớn dưới triều Lê.
- Một số dị bản khác cho rằng ông là Nguyễn Xí, tướng giỏi thời Lê Thái Tổ có công dẹp giặc Minh và trấn giữ vùng Nghệ Tĩnh. Theo huyền tích, trong một lần du thuyền trên sông, Nguyễn Xí bị nhấn chìm khi qua chân núi Hồng Lĩnh. Khi người dân thương tiếc ông, thi thể của ông bỗng nổi lên, mặt hồng hào, người nhẹ tựa lông hồng. Trên trời xuất hiện mây ngũ sắc và hàng ngàn thiên binh đưa ông về trời. Nhân dân suy tôn ông là Ông Hoàng Mười và lập đền thờ để tưởng nhớ.

Có nhiều sự tích đền Ông Hoàng Mười được lưu truyền trong dân gian (Ảnh: Vinpearl)
Vậy đền Ông Hoàng Mười Nghệ An nằm ở đâu, cách di chuyển? Thờ ai?
Đền Ông Hoàng Mười được xây dựng từ thế kỷ XVII và là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của dải đất miền Trung. Sự linh thiêng của ngôi đền chính là điểm hút người dân đến tham quan, dâng hương và thành tâm cầu nguyện.
Đền Ông Hoàng Mười nằm ở đâu?
Đền Ông Hoàng Mười nằm tại làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, cách trung tâm thành phố Vinh khoảng 7km về phía Tây Nam.
Nếu xuất phát từ Hà Nội, du khách chạy thẳng cao tốc Pháp Vân đi QL1A hoặc đi Đại Lộ Thăng Long đường mòn Hồ Chí Minh. Với khoảng cách hơn 300km, du khách mất khoảng 5 giờ di chuyển để tới đền.
Để đảm bảo chính xác và thuận tiện nhất, bạn nên sử dụng ứng dụng bản đồ trực tuyến để tìm đường đến đền Ông Hoàng Mười.
Với những du khách chưa quen đường hay không muốn tự lái xe có thể lựa chọn xe khách cũng rất thuận tiện. Từ bến xe Nước Ngầm hay bến xe Mỹ Đình dễ dàng bắt xe chạy thẳng về bến xe Vinh. Sau đó bạn bắt xe ôm hay taxi đi thêm 10km nữa là tới cửa đền.
Đền Ông Hoàng Mười thờ ai?
Ngoài thờ chính Quan Hoàng Mười, ngôi đền này còn thờ các vị Phúc Thần như: Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Tứ phủ, Lê Khôi, Song Đồng Ngọc Nữ, Quận công Trịnh Trung,…

Người dân lập đền Ông Hoàng Mười tại Nghệ An để tưởng nhớ công ơn của vị tướng tài (Ảnh: Vinpearl)
Đi đền Ông Hoàng Mười Nghệ An cầu gì?
Đền Ông Hoàng Mười được biết đến là nơi linh thiêng để cầu tài lộc. Mỗi năm, đền thờ thu hút hàng vạn du khách tới lễ bái, đặc biệt là dân buôn bán, các chủ cửa hàng nhỏ lẻ cho đến các doanh nghiệp lớn.
Họ tìm đến đền vào dịp Tết Nguyên đán, ngày Vía Thần Tài hay 2 ngày hội chính với mong muốn xin lộc Ông Hoàng Mười để công việc làm ăn thêm phần thuận lợi, suôn sẻ và phát đạt. Nhiều người tin rằng, sự linh thiêng của Ông Hoàng Mười sẽ phù hộ họ vượt qua khó khăn, mang lại may mắn trong việc đầu tư, hợp tác kinh doanh, đồng thời mở ra cơ hội làm ăn mới, thu hút khách hàng, tăng trưởng doanh thu.

Du khách thập phương ghé đền Ông Hoàng Mười cầu may mắn và đón nhiều tài lộc (Ảnh: Báo Dân trí)
Nhập hàng tạp hóa dễ dàng - giá ưu đãi!
Một số lưu ý khi đi lễ Ông Hoàng Mười
Khi đến thăm đền Ông Hoàng Mười để thể hiện lòng thành kính, du khách cần lưu ý một số điểm sau:
Thời điểm đi lễ đền Ông Hoàng Mười Nghệ An
Đền Ông Hoàng Mười thường thu hút nhiều người vào dịp Tết Nguyên Đán, đặc biệt là vào ngày Vía Thần Tài 10 tháng Giêng hoặc 2 kỳ hội lớn: Khai điểm vào ngày Rằm tháng 3 Âm lịch và giỗ Ông Hoàng Mười vào 10/10 Âm lịch.
Ngày giỗ của Ngài được tiến hành vào ngày 9 và 10/10 Âm lịch gồm phần lễ và phần hội.
- Phần lễ:Gồm các nghi thức tâm linh như lễ cúng, lễ hội và lễ rước để thể hiện sự tôn kính và tín ngưỡng của người dân đối với Ngài.
- Phần hội:Diễn ra sau phần lễ với các hoạt động văn hóa, chơi trò chơi dân gian tạo nên không khí vui tươi và sôi động cho ngày hội truyền thống này.
Đền Ông Hoàng Mười mở cửa tất cả các ngày trong tuần từ thứ 2 đến Chủ nhật, bao gồm cả các ngày nghỉ lễ, Tết, từ 05:30 – 22:00. Để cầu xin sự may mắn và bình an, du khách có thể đến đền vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.
Nếu ngại đông đúc và mong muốn đi lễ thong thả, có trải nghiệm tốt nhất, bạn nên lựa chọn ngày thường, không phải ngày lễ hay ngày hội tín ngưỡng.
Sắm lễ đi đền Ông Hoàng Mười
Khi đi lễ đền Ông Hoàng Mười, bạn có thể dâng hương, hoa quả và các lễ vật theo phong tục truyền thống. Đặc biệt, bạn nên chọn những đồ lễ có màu vàng vì đây là màu sắc mà Ngài ưa thích khi ngự đồng, thể hiện sự tôn kính và thành tâm.
Việc dâng lễ không bắt buộc nhưng nếu có lòng thành, lễ vật sẽ là cách bày tỏ sự tôn kính đối với Ông Hoàng Mười. Nếu chưa kịp chuẩn bị, ngay từ lối vào đền có nhiều sạp hàng bán lễ vật, đồ viết sớ phục vụ du khách. Khi mang lễ vào trong, bạn có thể đến khu vực phía sau đền để sắp xếp lễ gọn gàng. Sau khi hoàn thành nghi lễ đừng quên dọn dẹp sạch sẽ để giữ gìn không gian thờ tự trang nghiêm.
Mâm lễ thể hiện sự kính trọng, biết ơn Ông Hoàng Mười (Ảnh: Vietsense Travel)
Trang phục lịch sự
Khi đến đền, du khách nên chọn trang phục phù hợp, trang nhã và lịch sự. Tránh mặc quần áo quá hở hang, phản cảm nhằm tôn trọng không gian linh thiêng của đền.
Thái độ thành kính
Đền Ông Hoàng Mười là nơi thờ thần linh, vì vậy khi vào trong đền, du khách cần giữ thái độ tôn kính, im lặng và tĩnh tâm. Tránh sử dụng điện thoại, nói cười quá ồn ào làm ảnh hưởng đến không khí linh thiêng nơi thờ cúng.
Không nên làm phiền người khác
Đền là nơi hành lễ tôn nghiêm nên tránh việc gây ồn ào, xô đẩy, hay chen lấn, đặc biệt là trong các dịp lễ Tết, ngày hội chính đông người.
Tuân thủ các quy định của đền
Mỗi đền đều có những quy định riêng về việc thờ cúng và hành lễ. Du khách nên tìm hiểu trước các quy định và hướng dẫn tại đền để không vi phạm phong tục và nghi lễ.
Chẳng hạn khi đi qua cổng Tam quan vào đền chùa bạn nên đi vào cửa Giả quan bên phải và đi ra bằng cửa Không quan bên trái. Cửa Trung quan chỉ dành cho Thiên tử ngày xưa, các bậc cao tăng đi vào đền chùa.
Lưu trú
Lễ đền Ông Hoàng Mười có thể đi về trong ngày nhưng sẽ khá mệt với những du khách ở xa. Tốt nhất, bạn nên sắp xếp thời gian đi 2 - 3 ngày và lựa chọn các khách sạn, nhà nghỉ lân cận để nghỉ ngơi, tận hưởng cảnh đẹp, thưởng thức ẩm thực tại thành phố Vinh. Ngoài ra, có thể thăm thú thêm các điểm du lịch nổi tiếng khác như: Cửa Lò, vườn quốc gia Pù Mát, Cửa Hội, biển Diễn Thành,...
Việc tuân thủ những lưu ý này sẽ giúp bạn có một chuyến hành hương đầy ý nghĩa và cầu được lộc Ông Hoàng Mười một cách trọn vẹn.
Hi vọng bài viết đã giúp bạn biết được đền Ông Hoàng Mười nằm ở đâu và đi đền Ông Hoàng Mười cầu gì để công việc thuận buồm xuôi gió, tài lộc vượng phát. Gắn liền với sự tích đền Ông Hoàng Mười và những truyền thuyết linh thiêng về một vị tướng tài ba, ngôi đền không chỉ là điểm đến quen thuộc của giới buôn bán, kinh doanh mong cầu phát đạt mà còn là chốn tâm linh để người dân khấn bái, cầu may mắn, bình an.
Xem thêm
Chùa Ông: Điểm đến 'vay lộc' nổi tiếng Sài Thành ngày đầu năm mới
Khám phá chùa Hương: Địa điểm cầu tự tiền tài, phúc lộc không thể bỏ qua cho người làm ăn buôn bán