Không chỉ là công trình kiến trúc cổ kính, Chùa Ông còn mang giá trị tín ngưỡng sâu sắc, gắn liền với lịch sử và đời sống của cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn. Nơi đây được mệnh danh là ngôi chùa cầu tài lộc ở TPHCM đặc biệt linh thiêng, nổi tiếng với tục "vay tiền, xin lộc" đầu năm, thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, lễ bái. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng tìm hiểu chi tiết về ngôi chùa này và khám phá nghi thức xin lộc Chùa Ông độc đáo ngày đầu năm mới.
Nhập hàng tạp hóa dễ dàng - giá ưu đãi!
Chùa Ông - Điểm đến “vay lộc” linh thiêng của Sài Thành
Chùa Ông Quận 5 hay còn gọi là Miếu Quan Đế hoặc Nghĩa An Hội Quán là một trong những ngôi chùa linh thiêng, mang giá trị lịch sử sâu sắc của vùng đất Sài Thành. Ngôi chùa có địa chỉ chính xác tại số 676 đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5, TPHCM.

Chùa Ông là một trong những ngôi chùa linh thiêng tọa lạc tại quận 5 TPHCM (Ảnh: VinWonders)
Công trình này gắn liền với văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa gốc Triều Châu. Bởi lẽ, Chùa Ông đã được xây dựng từ gần 300 năm trước. Ban đầu đây là nơi sinh hoạt tâm linh của cộng đồng người Hoa đến từ Đài Loan và Quảng Đông của Trung Quốc.
Bước vào khuôn viên chính của Chùa Ông, bạn sẽ thấy các ban thờ phụng 3 vị thần được cộng đồng người Hoa xem là biểu tượng của đức hạnh, sự bình an và tài lộc, bao gồm:
- Quan Công (Quan Đế): Nhân vật kiệt xuất thời Tam Quốc, tượng trưng cho lòng trung nghĩa, trí tuệ và sự bảo hộ, xưa nay chỉ có một.
- Thiên Hậu Nguyên Quân (Thiên Hậu Thánh Mẫu): Vị thần bảo trợ của ngư phủ mang đến bình an cho những người dân làm nghề biển.
- Tài Bạch Tinh Quân (Thần Tài): Biểu tượng của sự thịnh vượng và may mắn trong làm ăn.
Bên cạnh đó, trong chùa còn có một gian thờ dành riêng cho ngựa Xích Thố - chiến mã của Quan Công đồng thời cũng là “Thần Mã” trong lịch sử Trung Hoa.

Chùa Ông gây ấn tượng với vẻ đẹp độc đáo mang đậm kiến trúc Trung Hoa (Ảnh: VinWonders)
Từ khi xây dựng đến nay, Chùa Ông đã trải qua nhiều lần trùng tu lớn vào các năm 1866, 1901, 1969, 1983 và 2010. Tuy nhiên dù sửa sang nhiều lần, chùa vẫn giữ được nguyên vẹn nét cổ kính vốn có. Đến tham quan và lễ bái tại chùa, không ít du khách đã bị ấn tượng bởi lối kiến trúc mang dấu ấn rõ nét của người Hoa. Những điều này thể hiện qua không gian điện thờ nằm khép kín vuông góc, các chi tiết hoa văn được chạm khắc tỉ mỉ, mái ngói cong cùng hàng câu đối chữ Hán trang nghiêm.
Với giá trị lịch sử và kiến trúc độc đáo, ngày 7/11/1993, Chùa Ông đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp quốc gia. Đặc biệt, nơi đây còn nổi tiếng là ngôi chùa cầu tài lộc ở TPHCM linh thiêng bậc nhất, trở thành nơi chiêm bái của rất nhiều người dân và du khách, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán.
Nhập hàng tạp hóa dễ dàng - giá ưu đãi!
Cách di chuyển đến Chùa Ông
Với vị trí tọa lạc ngay tại quận trung tâm thành phố, việc di chuyển đến Chùa Ông không quá phức tạp. Du khách có thể lựa chọn nhiều loại phương tiện di chuyển khác nhau tùy theo nhu cầu và lịch trình của mình, cụ thể:
- Phương tiện cá nhân: Sử dụng xe máy hoặc ô tô cá nhân là cách chủ động nhất để bạn kiểm soát lịch trình của bản thân. Từ các quận, huyện lân cận, bạn có thể dễ dàng tra cứu và di chuyển theo tuyến đường phù hợp trên bản đồ để đến Chùa Ông. Sau đó bạn gửi xe tại điểm trông giữ xe được bố trí ngay cạnh chùa để từ đó yên tâm chiêm bái, tham quan.
- Xe buýt: Đây là phương tiện công cộng tiết kiệm và thuận tiện cho những ai muốn trải nghiệm không khí nhộn nhịp của thành phố. Một số tuyến xe buýt có điểm dừng gần Chùa Ông mà bạn có thể tham khảo bao gồm: Tuyến số 01, 07, 08, 68, 91, 150.
- Taxi: Nếu không tự tin với việc tự tìm đường mà vẫn muốn chủ động di chuyển thay vì phải chờ xe buýt, bạn hoàn toàn có thể đặt taxi với một mức giá cũng không quá đắt đỏ.
Khám phá tục "vay tiền, lấy lộc" độc đáo tại Chùa Ông Sài Gòn
Quan Công - Vị thần được thờ phụng chính tại Chùa Ông là một vị tướng nổi tiếng thời Tam Quốc. Vì là người đã góp công thành lập nên quốc gia Thục Hán nên trong tín ngưỡng của người Hoa, Quan Công sẽ luôn sẵn sàng bảo hộ và chăm lo cho cuộc sống của người dân. Đó chính là lý do vào các ngày rằm, mùng 1 hoặc dịp lễ lớn như Tết Nguyên Đán, không ít người dân và du khách lựa chọn đến Chùa Ông để thực hiện nghi thức "vay lộc" để cầu mong việc làm ăn được phát đạt, thuận lợi.

Người dân đến lễ Chùa Ông có thể vay hoặc thỉnh lộc với quýt, phong bao lì xì và tờ giấy quý nhân (Ảnh: VnExpress)
Nghi thức xin lộc Chùa Ông có phần độc đáo hơn so với nghi thức cầu tài lộc tại phần lớn các ngôi chùa khác. Lộc được "vay" tại chùa thường bao gồm trái quýt, phong bao lì xì và tờ giấy quý nhân. Trong đó, trái quýt tượng trưng cho sự đại cát đại lợi, phong bao lì xì chứa tiền của Ông mang ý nghĩa chiêu tài, còn tờ giấy quý nhân là vật phẩm linh thiêng trong tín ngưỡng dân gian người Hoa.
Trong buổi lễ vay lộc, người dân sẽ xếp hàng ngay ngắn và giơ ngón tay để báo số phần lộc muốn vay (hoặc trả). Sau đó, tình nguyện viên của chùa sẽ đến, hỗ trợ thỉnh hoặc trả lộc một cách nhanh chóng nhất. Khi mang lộc về, trái quýt và tờ giấy quý nhân sẽ được đặt lên bàn thờ Thần Tài. Ba ngày sau, bạn có thể ăn trái quýt, riêng tờ giấy quý nhân cần được đặt sau tượng Thổ Địa đến cuối năm mới đem hóa.
Nếu đến lễ chùa trong ngày đầu năm mới, du khách còn có thể hòa mình vào không khí lễ hội rộn ràng với các màn múa lân sư rồng, diễu hành nghệ thuật và thắp đèn cầu may. Trong phần múa lân trước Chùa Ông, những con lân sẽ ngoạm trái quýt từ đĩa lộc và đem phát cho người dân. Người nhận được lộc từ lân đồng nghĩa với việc sẽ có một năm mới nhiều may mắn và thành công.

Người dân đi lễ Chùa Ông đầu năm sẽ được tham gia vào các lễ hội đặc sắc, rộn ràng (Ảnh: VnExpress)
Tục xin lộc Chùa Ông không chỉ mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc mà còn thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn. Đây vừa là dịp để người dân cầu mong một năm mới bình an, tài lộc vừa là cách gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa lâu đời của cộng đồng các dân tộc Việt. Nếu có cơ hội, bạn đừng bỏ lỡ trải nghiệm lễ hội đầu năm thú vị tại ngôi chùa cầu tài lộc ở TPHCM đặc biệt linh thiêng này nhé!
Xem thêm
Hướng dẫn sắm lễ cầu tài lộc sinh phú và mẫu văn khấn Chúa Thác Bờ chi tiết nhất!