Đền Chúa Thác Bờ là một trong những ngôi đền nổi tiếng tại Hòa Bình. Nơi đây không chỉ là chốn linh thiêng để cầu bình an, may mắn mà còn được xem là điểm đến chiêu tài đắc lộc, mang lại sự hanh thông trong công việc làm ăn buôn bán. Để hiểu rõ đền Chúa Thác Bờ cầu gì hãy cùng khám phá ngay những điều bí ẩn, linh thiêng của điểm đến này trong bài viết sau!
Nhập hàng tạp hóa dễ dàng - giá ưu đãi!
Khám phá địa điểm tâm linh đền Chúa Thác Bờ Hòa Bình
Hàng nghìn du khách tìm đến đền Chúa Thác Bờ mỗi năm bởi tin tưởng về sự linh thiêng của ngôi đền. Dưới đây là thông tin chi tiết về vị trí và lịch sử hình thành đền.
Đền Chúa Thác Bờ ở đâu?
Đền Chúa Thác Bờ tọa lạc trên đỉnh đồi Hang Thần, thuộc xóm Phố Bờ, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Đền cách trung tâm Hà Nội khoảng 110km. Đến đây, khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ mà còn được tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của vùng đất và con người nơi đây.

Đền được người dân thành kính thờ phụng qua nhiều thế hệ (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)
Đền Chúa Thác Bờ thờ ai?
Dân gian tương truyền, đền Chúa Thác Bờ Hòa Bình thờ hai vị nữ tướng anh dũng là: Bà Đinh Thị Vân (người Mường) và một vị tướng nữ không rõ tên (người Dao). Dưới thời vua Lê Lợi, khi nghĩa quân triều đình tiến lên vùng Tây Bắc dẹp loạn, hai bà đã đứng ra tập hợp dân bản, huy động lương thực, thuyền bè để hỗ trợ đoàn quân vượt qua con thác dữ trên sông Đà, tiến về Mường Lễ (Sơn La).
Nhờ sự trợ giúp ấy, nghĩa quân có thể hành quân thuận lợi, giữ vững hậu phương và giành chiến thắng vẻ vang. Để ghi nhận công lao to lớn của hai vị nữ tướng, triều đình đã phong sắc và giao cho hai bà cai quản vùng đất Mường tại Hòa Bình.
Từ đây, họ trở thành những người lãnh đạo tài ba, dẫn dắt người dân ổn định cuộc sống. Dưới sự hướng dẫn của hai bà, đồng bào học cách canh tác trên nương rẫy, giăng lưới đánh bắt cá và phát triển sản xuất để cuộc sống ngày càng đủ đầy hơn.
Thậm chí sau khi mất, hai bà vẫn không rời bỏ người dân mà luôn âm thầm dõi theo và phù hộ cho họ. Tương truyền, bất kỳ ai gặp nạn trên sông Đà chỉ cần thành tâm cầu khấn đều sẽ được hai bà hiển linh dẫn đường giúp họ thoát khỏi dòng nước hung dữ.
Trước ân đức ấy, nhân dân đã lập đền thờ Bà Chúa Thác Bờ để bày tỏ lòng tri ân và cầu mong sự bảo hộ, ban phước lành cho những người ngược xuôi trên miền sông nước.

Đền Chúa Thác Bờ thờ hai vị nữ tướng dưới thời Vua Lê Lợi (Ảnh: Báo Lao động)
Ngoài thờ Chúa Thác Bờ, ngôi đền còn là nơi thờ phụng nhiều vị thần, thánh trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Nổi bật phải kể đến Công Đồng Quan Lớn, Ngũ Vị Tôn Ông, Bà Chúa Sơn Trang (Động Sơn Trang), Tứ Phủ Thánh Cô, Tứ Phủ Thánh Cậu, Đức Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Tứ Phủ Chầu Bà, Tam Tòa Đức Thánh Mẫu,…
Đi Đền Chúa Thác Bờ cầu gì?
Người dân thường sắm lễ Chúa Thác Bờ để cầu những điều tốt đẹp trong cuộc sống:
- Tài lộc: Mong muốn có cuộc sống sung túc, đủ đầy về vật chất, nhất là những người làm ăn kinh doanh, buôn bán.
- Bình an: Cầu cho gia đình và bản thân luôn được bình yên, tránh khỏi những tai ương.
- Sức khỏe: Mong muốn có sức khỏe tốt để làm việc và tận hưởng cuộc sống.
- May mắn: Cầu cho mọi việc được suôn sẻ, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.
Người ta tin rằng, đến đền Chúa Thác Bờ và thành tâm cầu nguyện sẽ được phù hộ. Vậy đền Chúa Thác Bờ cầu gì và không nên cầu gì? Khi cầu nguyện, tín chủ nên hướng đến những điều thiết thực, phù hợp với khả năng của bản thân. Tránh hứa hẹn hoặc nguyện những điều viển vông, khó thực hiện.
Đặc biệt có ba điều không nên nguyện:
- Không nguyện cúng dường chư Phật một cách tùy tiện.
- Không nguyện định trước thời gian mang gạo, tiền, vàng cúng dường.
- Không nguyện cúng dường cả ba cảnh giới (tiên giới, trần thế, âm giới).
Đi lễ không chỉ là để cầu xin mà còn để tìm sự an nhiên trong tâm hồn, hướng về những giá trị tốt đẹp và giữ gìn bản sắc văn hóa tâm linh. Hãy để lòng thành dẫn lối, thay vì đặt nặng vào vật chất hay những điều phù phiếm.

Người dân thường đi đền Chúa Thác Bờ Hòa Bình chủ yếu để cầu tài lộc, ngoài ra còn cầu bình an, sức khỏe (Ảnh: 63Stravel)
Tìm hiểu lễ hội đền Chúa Thác Bờ
Lễ hội đền Chúa Thác Bờ diễn ra từ ngày mùng 7 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 4 Âm lịch. Mỗi năm, hàng nghìn du khách thập phương đổ về đây để du xuân, trẩy hội và dâng hương.
Những năm gần đây, lễ hội ngày càng được đầu tư, mở rộng nên không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn cả bạn bè quốc tế. Những hoạt động đặc sắc tiêu biểu trong lễ hội bao gồm:
- Lễ khai hội: Đây là nghi thức quan trọng mở đầu cho mùa lễ hội, diễn ra vào mùng 7 tháng Giêng âm lịch. Trong lễ khai hội, các nghi thức tế lễ được tổ chức long trọng, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no cho nhân dân.
- Lễ rước kiệu: Một trong những phần sôi động nhất của lễ hội là lễ rước kiệu. Kiệu được trang trí lộng lẫy, diễu hành quanh khu vực đền và làng bản tạo không khí phấn khởi, nhộn nhịp.
- Các trò chơi dân gian: Du khách đến lễ hội có thể tham gia vào nhiều trò chơi truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như kéo co, chọi gà, đánh đu,… Những trò chơi này không chỉ mang lại niềm vui mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng.
- Hội chợ truyền thống: Đây là dịp để du khách tham quan và mua sắm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo cùng những đặc sản địa phương do chính người dân bản địa sản xuất.
- Múa hát dân gian: Các tiết mục biểu diễn nghệ thuật dân gian sẽ góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Lễ hội đền Chúa Thác Bờ diễn ra từ ngày mùng 7 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 4 Âm lịch (Ảnh: Báo Lao Động)
Nhập hàng tạp hóa dễ dàng - giá ưu đãi!
Kinh nghiệm đi lễ đền Chúa Thác Bờ, Hòa Bình
Dưới đây là những chia sẻ hữu ích giúp bạn chuẩn bị chu đáo cho hành trình về với đền Chúa Thác Bờ.
Thời điểm lý tưởng đi lễ đền Chúa Thác Bờ, Hòa Bình
Thời điểm lý tưởng nhất để ghé thăm đền Bà Chúa Thác Bờ là vào khoảng mùa xuân và mùa hạ. Đặc biệt, lễ hội tại đền thường khai mạc vào ngày mùng 7 tháng Giêng hằng năm và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. Khoảng thời gian này thường trùng với Tết Nguyên Đán nên rất đông du khách tìm về đây để cầu mong một năm mới bình an, thuận lợi.

Thời điểm đẹp nhất để tới đền Chúa Thác Bờ là mùa xuân - hạ (Ảnh: Du lịch Hòa Bình)
Tuy nhiên, nếu không thích sự đông đúc, bạn có ghé thăm đền vào mùa hè. Thời điểm này, Thác Bờ Hòa Bình lại trở về với vẻ đẹp yên bình vốn có. Không gian sông nước thơ mộng, những hang động huyền bí cùng những dãy núi đá vôi trùng điệp sẽ mang đến bầu không khí trong lành, mát mẻ giúp xua tan cái nóng oi ả của mùa hè.
Phương tiện và cách thức di chuyển
Để đến đền Chúa Thác Bờ, du khách sẽ trải qua hai chặng di chuyển: Đường bộ và đường thủy.
Di chuyển bằng đường bộ
Quãng đường từ Hà Nội đến Hòa Bình dài khoảng 120km nên bạn có thể đi bằng ô tô hoặc xe máy cá nhân. Thời gian di chuyển trung bình khoảng 2,5 tiếng bằng ô tô và 3 tiếng nếu đi xe máy.
Dưới đây là một trong 3 cung đường phổ biến từ trung tâm Hà Nội đến Hòa Bình:
- Tuyến 1: Hướng Nguyễn Trãi – Quốc lộ 6 – Hòa Sơn – Nguyễn Văn Trỗi – Hồ Chí Minh - Hòa Bình.
- Tuyến 2: Hướng Đại lộ Thăng Long – Quốc lộ 21 – Thị trấn Xuân Mai – Huyện Lương Sơn – Huyện Kỳ Sơn.
- Tuyến 3: Hầm chui Trung Hòa – Cao tốc 08 – Quốc Oai – Đường ĐT419 – Quốc lộ 6 – ATK – ĐT12B – Kim Bôi.
Ngoài phương tiện cá nhân, du khách có thể đi xe khách từ bến xe Mỹ Đình hoặc bến xe Yên Nghĩa.

Hành trình từ Hà Nội về đền khoảng 120km (Ảnh: Seo An Toàn)
Di chuyển đường thủy
Khi đến Hòa Bình, bạn di chuyển bằng thuyền từ một trong ba bến dưới đây để tới đền Chúa Thác Bờ.
- Cảng du lịch Thung Nai: Bến gần nhất, chỉ mất 15 phút đi thuyền để đến đền.
- Cảng xã Thái Thịnh (gần đập thủy điện Hòa Bình): Mất khoảng 1 tiếng di chuyển.
- Bến nước xã Bình Thanh: Thời gian đi khoảng 45 phút.
Bến Thái Thịnh và Bình Thanh đi mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, 2 địa điểm này lại được nhiều du khách yêu thích vì khung cảnh hữu tình ở hai bên bờ sông.

Cảng du lịch Thung Nai là bến gần nhất để tới đền (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)
Trang phục
Khi đi thăm đền, bạn nên chọn trang phục lịch sự, kín đáo và phù hợp với không gian linh thiêng của đền. Nam giới nên mặc áo sơ mi hoặc áo thun có tay và quần dài. Nữ giới mặc trang phục có tay, không hở vai hoặc cổ quá sâu, váy/quần dài quá đầu gối. Bên cạnh đó, bạn hãy đi giày bệt, giày thể thao hoặc dép có quai để thuận tiện di chuyển trong khuôn viên đền.
Sắm lễ Chúa Thác Bờ
Các lễ vật cơ bản trong mâm lễ thường bao gồm nhang, vàng mã, tiền âm phủ, hoa tươi, trái cây, gạo nếp và chè. Nếu có thời gian, bạn cũng có thể chuẩn bị thêm lễ mặn với các món như thịt trâu, lợn, gà, chả giò,… để bày tỏ lòng thành kính.
Lưu ý, du khách nên chuẩn bị lễ vật từ trước để tránh tình trạng mua vội tại khu vực gần đền. Việc này vừa tốn kém chi phí do giá cả thường cao hơn vừa dễ thiếu sót những đồ cần thiết. Sắm lễ Chúa Thác Bờ Hòa Bình cũng không cần quá cầu kỳ, quan trọng nhất vẫn là lòng thành khi đến dâng hương tại đền.

Người dân nô nức sắm lễ Chúa Thác Bờ trong những ngày đầu năm (Ảnh: Báo Giao Thông)
Một số điểm thăm quan tại đền Bà Chúa Thác Bờ
Thông thường, du khách hành hương sẽ dừng chân tại đền Trình để dâng hương trước khi đến đền Chúa. Hai ngôi đền này nằm trên hai hòn đảo riêng biệt, cách nhau khoảng 20 phút đi thuyền. Trên hành trình di chuyển, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, mặt nước trong xanh hòa cùng núi non trùng điệp.
Điểm đến cuối cùng thường là Động Thác Bờ. Để vào động, du khách cần leo khoảng 100 bậc đá từ chân núi lên đến cửa hang. Nếu đi vào mùa khô, thay vì leo bậc đá, du khách có thể đi thuyền đến gần cửa động, sau đó di chuyển trên bè tre khoảng 50m là tới nơi.
Ngoài hành trình viếng đền Chúa Thác Bờ Hòa Bình, du khách có thể kết hợp tham quan các địa điểm nổi tiếng khác tại Hòa Bình như Thung Nai, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình,...

Nhiều điểm tham quan hấp dẫn xung quanh đền Bà Chúa Thác Bờ (Ảnh: Người Đưa Tin)
Đền Chúa Thác Bờ là một trong những ngôi đền linh thiêng bậc nhất tại Hòa Bình. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ đền Chúa Thác Bờ cầu gì. Hi vọng bài viết trên sẽ giúp bạn có thêm thông tin hữu ích để chuẩn bị tốt nhất cho chuyến đi tới đền!
Xem thêm
Khám phá chùa Hương: Địa điểm cầu tự tiền tài, phúc lộc không thể bỏ qua cho người làm ăn buôn bán