Với đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm và giữ ấm, dầu tràm từ lâu đã được nhiều gia đình Việt tin dùng để phòng và hỗ trợ điều trị các triệu chứng cảm lạnh, ngạt mũi. Tuy nhiên, có nên dùng dầu tràm chữa ngạt mũi cho trẻ sơ sinh không lại là câu hỏi khiến không ít cha mẹ băn khoăn, nhất là khi làn da và hệ hô hấp của trẻ còn rất nhạy cảm.
Có nên dùng dầu tràm chữa ngạt mũi cho trẻ sơ sinh không?
Trước tiên, hãy tìm hiểu vì sao dầu tràm được nhiều người truyền tai nhau là “bí kíp” trị ngạt mũi hiệu quả cho bé. Dầu tràm vốn được chiết xuất từ cây tràm gió, chứa hoạt chất cineol (eucalyptol) có tác dụng:
- Làm thông mũi, dễ thở
- Kháng khuẩn nhẹ
- Giữ ấm vùng ngực, cổ họng
- Thư giãn, giảm căng thẳng nhẹ
Tuy nhiên, hiệu quả và mức độ an toàn khi dùng dầu tràm cho trẻ sơ sinh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi của bé, lượng tinh dầu sử dụng hay cách dùng có phù hợp hay không.

Dầu tràm có nhiều tác dụng tốt cho trẻ sơ sinh (Ảnh: Siêu thị y tế)
Hướng dẫn cách dùng dầu tràm cho trẻ sơ sinh an toàn
Dưới đây là hướng dẫn sử dụng dầu tràm đúng cách, có thể áp dụng cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên.
Thoa gián tiếp lên quần áo hoặc khăn
Bạn có thể nhỏ 1 - 2 giọt dầu tràm lên khăn xô hoặc cổ áo của bé để giúp hương tinh dầu lan tỏa nhẹ nhàng, hỗ trợ bé dễ thở hơn. Tuyệt đối không được nhỏ dầu trực tiếp lên mặt, mũi hay những vùng da gần mắt bé vì đây là các khu vực cực kỳ nhạy cảm. Tốt nhất, bạn nên đặt khăn đã thấm tinh dầu ở đầu giường, cách mũi bé khoảng 20 – 30cm để mùi hương lan tỏa vừa đủ mà vẫn an toàn.
Xoa dầu tràm lên tay người lớn, sau đó áp vào da bé
Bạn có thể nhỏ một lượng nhỏ dầu tràm ra lòng bàn tay, sau đó xoa đều để làm ấm. Khi tay đã ấm và tinh dầu phân tán đều, nhẹ nhàng áp tay lên lưng và ngực của bé, vỗ nhẹ để giữ ấm cơ thể. Lưu ý, nên tránh các vùng da đang bị trầy xước, hăm đỏ hoặc có dấu hiệu kích ứng để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Phụ huynh nên nhỏ dầu tràm ra tay rồi mới thoa cho trẻ (Ảnh: Avakids)
Nhỏ vào nước tắm
Bạn cho từ 1 – 2 giọt dầu tràm vào chậu nước tắm ấm của bé. Khi hòa tan trong nước, mùi hương tinh dầu sẽ lan tỏa nhẹ nhàng, hỗ trợ làm dịu đường hô hấp, tạo cảm giác thư giãn cho bé. Lưu ý: Không nhỏ dầu trực tiếp lên da đầu của bé để tránh gây kích ứng cho làn da còn mỏng manh, nhạy cảm.
Lưu ý khi sử dụng dầu tràm cho trẻ sơ sinh
Dù dầu tràm được xem như lành tính nhưng việc sử dụng cho trẻ sơ sinh còn phụ thuộc vào cơ địa và phản ứng của từng trẻ. Một số rủi ro có thể gặp nếu dùng dầu tràm sai cách:
- Kích ứng da: Do da bé quá mỏng, chưa hoàn thiện lớp bảo vệ
- Dị ứng hô hấp: Khi dùng quá gần mũi hoặc lượng tinh dầu quá đậm đặc
- Ngộ độc tinh dầu: Nếu trẻ vô tình nuốt phải hoặc hít phải lượng lớn.
Vì vậy, phụ huynh luôn phải thử phản ứng của trẻ bằng cách nhỏ thử ra tay rồi mới cho tiếp xúc lên người bé.

Luôn thử nghiệm trước khi cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với dầu tràm (Ảnh: Dr.Papie)
FAQ – Câu hỏi thường gặp về việc dùng dầu tràm cho trẻ sơ sinh
1. Trẻ sơ sinh mấy tháng thì có thể bắt đầu dùng dầu tràm?
Thông thường, bé từ 3 tháng tuổi trở lên có thể bắt đầu dùng dầu tràm một cách gián tiếp và với liều lượng nhỏ. Trẻ dưới 3 tháng tuổi nên hạn chế nếu chưa có chỉ định từ bác sĩ.
2. Dầu tràm có thể nhỏ trực tiếp vào mũi trẻ sơ sinh không?
Không nên nhỏ dầu tràm trực tiếp vào mũi trẻ sơ sinh. Tinh dầu đậm đặc có thể gây bỏng rát niêm mạc mũi khiến bé khó chịu, quấy khóc và trong một số trường hợp nghiêm trọng có thể gây co thắt đường hô hấp.
3. Có nên xông phòng bằng dầu tràm khi bé bị ngạt mũi?
Có thể xông nhẹ nhưng chỉ nên cho 1 – 2 giọt vào máy khuếch tán, đặt cách xa nơi bé nằm, tránh để tinh dầu bay trực tiếp vào mặt bé.
Như vậy có nên dùng dầu tràm chữa ngạt mũi cho trẻ sơ sinh không? Câu trả lời là Có nếu bé đã đủ 3 tháng tuổi trở lên và cần có cách sử dùng an toàn, phù hợp. Điều quan trọng, các bố mẹ đừng lạm dụng dầu tràm như “thuốc trị bệnh” mà chỉ xem đây như một biện pháp hỗ trợ trong việc giữ ấm và làm dịu triệu chứng ngạt mũi của bé.
Xem thêm: