Để chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán, người Việt Nam có rất nhiều phong tục truyền thống. Mỗi phong tục đều mang ý nghĩa và giá trị riêng, thể hiện tinh thần, văn hóa của dân tộc Việt Nam. Những phong tục ngày Tết này không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của cộng đồng mà còn chứa đựng những mong ước về một năm mới tốt lành, may mắn.
1. Cúng Ông Công, Ông Táo
Theo quan niệm của người Việt, ông Công, ông Táo là vị thần cai quản bếp núc trong gia đình. Vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, mọi gia đình Việt đều cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời báo cáo với Ngọc Hoàng về mọi việc trong năm cũ của gia đình. Chính vì vậy, các gia đình sẽ dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ, nấu một mâm cỗ, mua vàng mã và cá vàng về cúng để tiễn ông Công, ông Táo về trời. Sau khi cúng xong, cá vàng sẽ được phóng sanh ra sông, suối.
2. Tảo mộ tổ tiên ngày Tết
Từ ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp âm lịch, người Việt Nam ta thường có phong tục tảo mộ ông bà, tổ tiên để thể hiện lòng hiếu thảo, thành kính, biết ơn đối với ông bà, tổ tiên. Những ngày này, con cháu sẽ sửa sang, dọn dẹp và trang trí lại phần mộ của tổ tiên mình.
3. Dọn dẹp và trang trí nhà cửa
Mỗi dịp Tết đến xuân về, các gia đình Việt Nam lại tất bật dọn dẹp nhà cửa. Việc dọn dẹp nhà cửa đón Tết có nhiều ý nghĩa. Trước hết, đây là dịp để giúp chúng ta trang hoàng lại nhà cửa, dọn dẹp sạch sẽ, gọn gàng, tạo không khí tươi mới, hân hoan chào đón năm mới.
Ngoài ra, theo quan niệm của ông bà ta, dọn dẹp nhà cửa ngày Tết còn thể hiện mong muốn xua đuổi những điều xấu xa, xui xẻo của năm cũ, đón chào những điều tốt đẹp, may mắn của năm mới.
4 . Dựng cây nêu đón Tết
Phong tục dựng cây nêu ngày Tết là một trong những phong tục cổ truyền lâu đời của người Việt Nam. Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, sau khi cúng tiễn ông Công ông Táo về chầu trời. Cây nêu được làm từ cây tre cao khoảng 6-7 mét, trên đỉnh được dán bùa chú hoặc vàng mã.
Dân gian quan niệm rằng, khi những vị thần bảo hộ gia đình đi vắng thì cây nêu được dựng lên để xua đuổi ma quỷ, trừ tà dữ, bảo vệ bình an cho gia đình.
5. Nấu bánh chưng, bánh tét
Bánh chưng, bánh tét là loại bánh truyền thống nhất định phải có vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán. Do đó, phong tục gói và nấu bánh chưng, bánh tét ngày Tết cũng là một nét lâu đời của người Việt Nam. Mọi người trong gia đình sẽ cùng nhau quây quần bên nồi bánh, vừa trò chuyện vừa thức thâu đêm để nấu bánh đón Tết.
6. Mâm ngũ quả
Đây là một trong những nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đán. Mâm ngũ quả được bày trí trên bàn thờ tổ tiên, thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Đồng thời, mâm ngũ quả cũng mang ý nghĩa cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng, vạn sự như ý.
>>> Các loại bánh mứt Tết ngon <<<
|
7. Cúng tất niên
Thông thường, lễ cúng tất niên được tổ chức vào ngày cuối cùng của năm m lịch, tức là ngày 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc ngày 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu). Vào ngày này, gia đình Việt sẽ chuẩn bị một mâm cỗ chỉn chu để cúng mời tổ tiên về đón Tết cùng gia đình. Đồng thời, đây cũng là bữa cơm để kết thúc năm cũ, chào đón năm mới và là dịp để mọi người sum họp, quây quần bên nhau tâm sự trước đêm Giao Thừa.
8. Cúng đón giao thừa
Giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới theo lịch âm của người Việt Nam. Đây là một thời điểm quan trọng, đánh dấu sự kết thúc của một năm cũ và bắt đầu của một năm mới.
Lúc này, các vị thần cai quản năm cũ sẽ bàn giao công việc cho các vị thần cai quản năm mới. Vì vậy, việc cúng giao thừa là để đón rước các vị thần cai quản năm mới, cầu mong sự may mắn, bình an cho gia đình trong năm mới.
9. Xông đất
Xông đất hay còn gọi là đạp đất, là một phong tục lâu đời ở Việt Nam. Theo quan niệm của người xưa, người đầu tiên đến chúc Tết gia đình sau thời điểm giao thừa sẽ là người xông đất. Nếu người này hợp tuổi với gia chủ thì trong năm đó gia chủ sẽ gặp nhiều điều may mắn, tài lộc, sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
10. Hái lộc đầu năm mới
Hái lộc được thực hiện vào thời khắc giao thừa hoặc sáng sớm mùng 1 Tết nhằm cầu mong một năm may mắn, an khang thịnh vượng. Việc hái lộc đầu năm chính là mong muốn được hưởng chút lộc của thần linh, của đất trời, để có một năm mới tươi đẹp, phát triển.
11. Chúc Tết và mừng tuổi gia đình, họ hàng
Phong tục chúc Tết và mừng tuổi là nét đẹp văn hoá lâu đời của người Việt Nam. Vào dịp này, mọi người sẽ dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp và trao những bao lì xì đỏ nhằm cầu mong cho người nhận được sức khoẻ, may mắn.
12. Lễ chùa cầu bình an
Phong tục lễ chùa đầu năm có nguồn gốc từ đạo Phật, được du nhập vào Việt Nam từ rất lâu đời. Theo quan niệm của người Việt, lễ chùa đầu năm là dịp để con người thể hiện lòng thành kính với Phật, cầu mong một năm mới an lành, may mắn, tài lộc.
Những phong tục ngày Tết cổ truyền tại Việt Nam rất đa dạng. Mỗi vùng miền, mỗi dân tộc sẽ có những phong tục khác nhau. Trên đây là những phong tục ngày Tết phổ biến, hy vọng đây là những thông tin hữu ích giúp bạn có một ngày Tết trọn vẹn.