Cúng tất niên là nghi thức quan trọng mỗi dịp cuối năm, gắn liền với phong tục tri ân tổ tiên và cầu mong một năm mới may mắn, bình an. Vào chiều 29 Tết năm Ất Tỵ, việc chuẩn bị mâm cúng tất niên gồm những gì? Bài văn khấn cúng tất niên nào đầy đủ nhất, vừa thể hiện lòng thành kính vừa gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt? Cùng tham khảo trong bài viết sau.
Ý nghĩa của việc cúng tất niên vào chiều 29 Tết năm Ất Tỵ
Cúng tất niên là một nghi thức truyền thống quan trọng trong văn hóa Việt Nam. Đây là dịp để mỗi gia đình bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên và các vị thần linh đã phù hộ trong suốt một năm qua. Lễ cúng thường diễn ra trong không khí trang nghiêm và ấm cúng, với các mâm cỗ đầy đủ món ăn truyền thống, nhang đèn, và hoa quả.
Đặc biệt, năm Ất Tỵ mang ý nghĩa tượng trưng cho sự linh hoạt, trí tuệ và khéo léo, nên lễ cúng còn gửi gắm mong ước một năm mới bình an, tài lộc, và mọi sự hanh thông. Bên cạnh đó, đây cũng là thời khắc để mọi người trong gia đình quây quần, sum họp, cùng nhau nhìn lại năm cũ và chuẩn bị tâm thế đón chào năm mới với nhiều hy vọng.
Mâm cơm tất niên thể hiện sự sum vầy và thành kính với tổ tiên (Ảnh: Báo Tuổi trẻ Thủ đô)
Mâm cúng tất niên gồm những gì?
Mâm cúng tất niên gồm những gì còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình và văn hóa phong tục của các từng vùng miền.
Miền Bắc
Mâm cỗ cúng tất niên ở miền Bắc thường có 4 bát, 4 đĩa. Cỗ lớn 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa. Có những mâm cúng phải xếp cao 2 - 3 tầng, thể hiện mâm cao, cỗ đầy. Một số món ăn chính có thể kể tới:
- Thịt gà, thịt lợn, giò lụa/chả quế, đĩa xôi gấc, bánh chưng, hành muối
- Nem rán, móng giò hầm măng, miến nấu lòng gà, bát mọc nấm thả,...
Các gia đình cũng có thể thêm một số món ngon tùy theo khẩu vị như: nộm rau củ, thịt đông, bóng bì xào thập cẩm,...
Mâm cúng với nhiều món ngon đặc trưng của miền Bắc (Ảnh: VietNamNet)
Miền Trung
Mâm cúng tất niên của người miền Trung đơn giản hơn so với miền Bắc. Không yêu cầu 4 bát, 4 đĩa nhưng không thể thiếu các món đặc trưng sau:
- Đĩa bánh chưng/bánh tét, dưa món, giò lụa, thịt đông, gà bóp rau răm,
- Chả cuốn/ram, thịt heo luộc, giá chua, măng khô hầm móng giò, bát miến Huế cá chiên,...
Miền Nam
Miền Nam có tiết trời nắng nóng nên mâm cỗ cúng tất niên thường ưu tiên đồ nguội.
- Bánh tét kèm với đĩa củ cải ngâm nước mắm, canh khổ qua nhồi thịt hoặc canh măng nấu (dùng măng tươi thay cho măng khô).
- Thịt kho tàu (thịt heo, trứng với nước dừa), thịt heo luộc, gỏi tôm thịt, đĩa nem rán, chả giò, đĩa dưa giá, củ kiệu.
Mâm cơm cúng tất niên được chuẩn bị tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình (Ảnh: SaoStar)
Theo thời gian, mâm cỗ Tết đã có nhiều biến tấu nhưng vẫn giữ được nét phong tục vốn có. Dù cỗ mặn hay cỗ chay, mâm cúng đều thể hiện sự thành tâm của con cháu muốn gửi tới tổ tiên.
Bày biện bàn thờ
Trước khi bày mâm cúng tất niên, gia chủ cần lau chùi bàn thờ sạch sẽ. Sau khi đã chuẩn bị các vật phẩm tươm tất, bạn mới tiến hành trưng bày mâm cúng.
Lễ vật cần chuẩn bị
Những lễ vật cần chuẩn bị trong lễ cúng tất niên chiều 29 Tết năm Ất Tỵ cần có:
- Trái cây: Mâm ngũ quả tươi, chín vừa phải (tùy từng vùng miền). Thông thường sẽ gồm 5 loại trái cây với 5 màu khác nhau, tượng trưng cho ngũ hành và ngũ phúc lâm môn (phúc, quý, thọ, khang, ninh).
- Ở miền Bắc: Mâm ngũ quả sẽ có 1 nải chuối xanh, bưởi/phật thủ, quýt (quất, cam), táo, xoài hoặc thanh long.
- Ở miền Trung: Thường bày biện chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài…
- Ở miền Nam: Người dân sẽ chọn các loại quả như mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, dứa, thanh long với ý nghĩa “cầu - vừa - đủ - xài” để hi vọng về một năm mới may mắn, sung túc, đủ đầy.
- Hoa tươi và trầu cau: Hoa cúc vàng hoặc hoa lay ơn thường được chọn, mang ý nghĩa thanh khiết và trang trọng.
- Hương (nhang), đèn cầy (nến): Để dâng lên tổ tiên, thể hiện lòng thành kính.
- Giấy tiền vàng mã: Biểu thị mong muốn tổ tiên nhận được sự chăm sóc ở thế giới bên kia.
- Ly, chén, muỗng, đũa, bình hoa, lư nhang, trà, rượu, nước lọc, gạo, muối: Là các lễ vật quan trọng, không thể thiếu trên bàn thờ.
Lễ vật cần có trên bàn thờ gia tiên (Ảnh: Sapo)
Cách sắp xếp bàn thờ:
Mâm cúng mặn sẽ được đặt riêng bên dưới hoặc trên bàn nhỏ kê sát bàn thờ. Món nóng, có nước đặt bên trong, món nguội đặt bên ngoài để tránh đổ vỡ. Món mặn đặt bên phải, món ngọt nên đặt bên trái, bát đũa để ngoài rìa.
Bình hoa nên đặt ở bên phải bàn thờ hoặc 2 bên. Khay ngũ quả và lư hương đặt chính giữa. Còn hương và nến để phía trước, gần tay thắp.
Cách sắp xếp bàn thờ cúng tất niên (Ảnh: Báo Lao động)
Nghi thức cúng tất niên
Do là năm thiếu, không có 30 Tết nên hầu hết mọi người sẽ làm tất niên vào chiều hoặc tối 29 tháng Chạp (tức 28/1/2025 dương lịch), khi các thành viên gia đình có mặt đông đủ. Theo các chuyên gia phong thủy, khung ngày giờ đẹp để làm lễ cúng tất niên tại gia đình là: Tý (23h - 1h), Dần (3h - 5h), Mão (5h - 7h), Ngọ (11h - 13h), Mùi (13h - 15h), Dậu (17h - 19h).
Cách thực hiện như sau:
- Người lớn tuổi hoặc chủ nhà đại diện thắp hương, đọc văn khấn văn khấn cúng tất niên để mời tổ tiên về dự lễ.
- Sau khi đọc xong, mọi người cùng chắp tay bày tỏ lòng thành kính.
- Đợi nhang tàn để hóa vàng mã và hạ mâm cúng.
Bài văn khấn cúng tất niên
Nội dung bài văn khấn thường bao gồm:
- Lời mời: Mời tổ tiên về dự bữa cơm tất niên.
- Lời cảm ơn: Cảm tạ tổ tiên, thần linh đã phù hộ trong năm qua.
- Lời cầu mong: Mong gia đình bình an, thịnh vượng, gặp nhiều may mắn trong năm mới.
Dưới đây là bài văn khấn được trích từ cuốn Văn khấn cổ truyền Việt Nam (Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin).
Bài văn khấn cúng tất niên mẫu để gia chủ tham khảo (Ảnh: Bách hóa Xanh)
Lưu ý quan trọng khi cúng tất niên
Lễ cúng tất niên vào chiều 29 Tết năm Ất Tỵ 2025 là một nghi thức quan trọng, đánh dấu sự kết thúc của năm cũ, chuẩn bị đón chào năm mới, tri ân đối với tổ tiên và cầu mong những điều tốt đẹp nên cần chuẩn bị tươm tất, không nên quá sơ sài.
- Tùy vào điều kiện gia đình mà gia chủ có thể chuẩn bị mâm cúng tất niên ít hay nhiều. Nhưng cần có đủ các món đặc trưng, bày biện gọn gàng, chu đáo.
- Cần dọn dẹp bàn thờ, nhà cửa sạch sẽ trước khi sắp xếp mâm cúng.
- Cần có đầy đủ các thành viên trong nhà để thể hiện sự sum vầy, ấm cúng.
- Không nên cãi nhau, chửi mắng, thay vào đó nên nói những điều tốt lành, chuyện vui.
- Người cúng phải ăn mặc chỉnh tề, đọc văn khấn rõ ràng, rành mạch, tốc độ vừa phải, hạn chế đọc sai.
- Quan trọng nhất là thành tâm, tránh làm lễ qua loa hay hình thức.
- Khi sử dụng hương và đèn nến, cần đảm bảo an toàn, tránh cháy nổ.
Các thành viên thành tâm cầu khấn và nguyện ước vạn sự hanh thông (Ảnh: Alo nước suối)
Như vậy, biết mâm cúng tất niên gồm những gì và tìm được bài văn khấn cúng tất niên đúng chuẩn sẽ góp phần làm trọn vẹn ý nghĩa thiêng liêng của ngày cuối năm. Đây không chỉ là một phong tục mà còn là sợi dây gắn kết giữa các thế hệ trong gia đình, lưu giữ giá trị văn hóa tốt đẹp của người Việt.
Xem thêm:
Hướng dẫn đặt mâm cúng giao thừa ngoài trời nhiều tài lộc
Lịch nghỉ Tết 2025 và 4 mẹo sắm Tết cực hời bạn không thể bỏ qua