Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, Lễ Ông Hoàng Mười là dịp quan trọng để người kinh doanh, buôn bán dâng lễ, cầu tài cầu lộc. Việc chuẩn bị lễ vật đúng cách và đọc đúng văn khấn cầu tài lộc tại đền Ông Hoàng Mười sẽ giúp gia chủ đón nhận nhiều điều tốt lành. Nếu bạn đang tìm kiếm văn khấn đền Ông Hoàng Mười ngắn gọn hoặc cần một bài văn khấn Ông Hoàng Mười đầy đủ nhất để thực hiện nghi lễ trang trọng, bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ từng bước.
Nhập hàng tạp hóa dễ dàng - giá ưu đãi!
Ý nghĩa của việc cầu tài đắc tài tại lễ Ông Hoàng Mười
Đền Ông Hoàng Mười nằm ở làng Xuân Am, Hưng Thịnh, Hưng Nguyên, tỉnh. Nghệ An. Từ lâu, đền Ông Hoàng Mười đã trở thành điểm hẹn linh thiêng cho những ai mong muốn khai mở cung tài, cầu lộc buôn bán và thăng tiến trong sự nghiệp. Người ta tin rằng, Ông Hoàng Mười không chỉ phù trợ con đường công danh mà còn mang đến phúc lộc dồi dào cho những người làm ăn, hỗ trợ công việc kinh doanh hanh thông, phát đạt.
Theo truyền thuyết, Ông Hoàng Mười là một vị quan tài trí, quyền thế, luôn mang trong mình tâm nguyện giúp đỡ nhân dân. Sau khi quy tiên, ông được thờ phụng như một vị thánh cai quản tài lộc, mở đường cho những ai có chí hướng vươn lên. Đặc biệt, giới kinh doanh tin rằng nếu thành tâm cầu khấn, Ông sẽ gia hộ cho việc làm ăn suôn sẻ, tránh được vận hạn và gặp nhiều may mắn trong buôn bán.

Ông Hoàng Mười được xem là vị thần tài lộc cho người kinh doanh (Ảnh: Diditrip)
Bên cạnh nơi cầu tài, đền Ông Hoàng Mười còn được xem là điểm đến quan trọng để xin lộc về sự nghiệp. Những người mong cầu công danh, muốn đạt thành tựu lớn trong học vấn, thi cử hay thăng tiến trong nghề nghiệp đều tìm đến đây để bày tỏ lòng thành. Họ tin rằng khi được Ông Hoàng Mười độ trì, con đường sự nghiệp sẽ rộng mở, có quý nhân phù trợ và dễ dàng đạt được những vị trí cao hơn trong xã hội.
Mỗi năm, đặc biệt vào dịp lễ hội tại đền, hàng ngàn người đổ về đây làm lễ Ông Hoàng Mười để xin lộc. Họ tin rằng, nếu dâng lễ đúng cách, tâm khấn thành kính, Ông Hoàng Mười sẽ ban cho sự phồn thịnh giúp công việc kinh doanh thuận lợi, tài lộc hanh thông. Chính vì thế với những người làm ăn buôn bán, đây là một trong những nơi không thể bỏ qua khi muốn tìm kiếm sự hưng thịnh và phát triển bền vững.
Lễ Ông Hoàng Mười cần chuẩn bị những gì?
Khi dâng lễ Ông Hoàng Mười, điều quan trọng nhất không nằm ở mâm cao cỗ đầy mà ở tấm lòng thành kính. Dù là lễ lớn hay nhỏ, chỉ cần tâm niệm trang nghiêm, Ông đều chứng giám và phù hộ.
Theo phong tục, lễ vật dâng lên thường bao gồm các thành phần cơ bản: Hương, hoa, đăng (đèn nến), trà, quả, thực (mâm chay, mâm mặn). Đây là những lễ vật tượng trưng cho sự thanh khiết, tôn kính và lòng biết ơn đối với bề trên. Lễ cũng có thể đơn giản với nén nhang, bát nước hoặc đầy đủ hơn tùy theo quy mô và điều kiện của người đi lễ.
Những ngày rằm, mùng một hay các dịp lễ lớn, người ta thường sắm sửa những lễ vật như hoa tươi, trái cây, trầu cau, tiền vàng lá, bánh kẹo và đôi khi có thêm lễ mặn như xôi, giò, gà luộc. Những người không tiện chuẩn bị lễ vật có thể tùy tâm để tiền vào hòm công đức. Điều cốt yếu vẫn là sự chân thành khi hành lễ tại đền.

Lễ Ông Hoàng Mười quan trọng nhất là lòng thành kính (Ảnh: Gostay)
Với những ai muốn sắm lễ Ông Hoàng Mười đầy đủ theo hướng dẫn của nhà đền, một mâm lễ cơ bản thường gồm:
- Xôi, gà luộc, một chai rượu (5 chén), một chai nước, nén nhang, tiền dương.
- Sớ điệp, trầu cau, tiền dương, tiền quan.
- Mâm vàng quan màu vàng 5 dây.
- Mâm vàng trắng 1 dây, một chai rượu (5 chén), nén nhang, tiền vàng.
- Một đĩa muối, một đĩa gạo, 5 quả trứng vịt đã rửa sạch, một bó hoa dâng bàn thờ Quan Ngũ Hổ.
- Mâm hoa quả, trầu cau, tiền dương, một chai nước.
Văn khấn cầu tài lộc tại đền Ông Hoàng Mười chuẩn nhất
Tại đền Ông Hoàng Mười, người ta không chỉ cầu tài lộc mà còn mong được phù trợ trong công danh, sự nghiệp. Dưới đây là hai bài văn khấn cầu tài lộc tại đền Ông Hoàng Mười phổ biến khi hành lễ:
Nhập hàng tạp hóa dễ dàng - giá ưu đãi!
Văn khấn xin mở cung tài, khai cung lộc
Đệ tử con muôn phần kính bái, chân quỳ, tay chắp, thành tâm dâng tấu trước đức Ông Hoàng Mười nơi đền thiêng Nghệ An.
Hôm nay, ngày lành tháng tốt, con đến cửa đền, nhất tâm hướng ngài, nguyện cầu phúc lộc, tài duyên. Lễ bạc nhưng lòng thành, mong ngài chứng tâm, chứng lễ, mở cung tài, khai cung lộc, ban phước ban ân.
Xin Hoàng xá tội, khoan hồng, thương kẻ bần hàn, đói cơm khát lộc. Nguyện ngài mở lối, đưa đường để năm phương tiếp lộc, mười phương tiếp tài. Để con có cái ăn cái mặc, có lộc dư tài đủ, lo tròn việc thánh, vẹn toàn việc trần.
Trên nhờ ngài gia hộ, dưới nhờ ngài độ trì, xin ban chút đồng tiền, đồng xuyến, chút tài lộc nương thân. Để xuân sang có lộc, thu đông có tài, khách xa tìm đến, khách gần mang về.
Lộc Hoàng chan hòa như nước, mở đường đi rộng thênh thang. Hoàng ngoảnh mặt đi, con dại. Hoàng đoái thương, con khôn. Xin ngài rải lộc rơi lộc vãi, cho đồng tiền bát gạo, cho qua ngày đói, tránh tháng cùng năm tận.
Con nguyện một lòng, không tham, không cầu quá phận, chỉ xin ngài ban tài dư, lộc đủ. Lạy Hoàng chứng giám, độ trì muôn phần.
A di đà Phật! Lạy Hoàng!

Văn khấn ông Hoàng Mười đầy đủ nhất để xin tài lộc (Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam điện tử)
Văn khấn xin lộc buôn bán
Hôm nay, đệ tử nhất tâm hướng về cửa ngài, cúi xin Ông Hoàng Mười chứng giám lòng thành.
Nay nhân duyên hội ngộ, con quỳ trước ngài, mong được ban lộc tài, buôn bán hanh thông, khách vào nườm nượp, khách đi hài lòng. Xin ngài mở đường khai vận, cho con buôn may bán đắt, hàng hóa tươi tốt, lời lãi vững bền.
Cầu xin ngài soi xét, ban phước độ trì để khách gần tìm đến, khách xa mang về, của ra có của vào, vốn liếng sinh sôi, tiền bạc lưu thông. Hàng hóa lưu chuyển, xe tàu thuận lợi, đi về bình an, tránh mọi gian nan trên đường buôn bán.
Cửa hàng nhỏ nay mong nhờ ơn ngài phù hộ mà ngày một mở rộng, từ ít hóa nhiều, từ nhỏ thành lớn, hanh thông rạng rỡ. Mở hàng có khách đến, ra lời khách thương, tiền bạc đủ đầy, trang trải gia đình, xây dựng sự nghiệp.
Nhất tâm bái lạy, cúi xin ngài chứng giám, mở lộc khai tài.
A di đà Phật! Lạy Hoàng!

Văn khấn ông Hoàng Mười Nghệ An để xin lộc buôn bán (Ảnh: VietNamNet)
Một số lưu ý không thể bỏ qua khi xin lộc Ông Hoàng Mười
Việc đi lễ là thể hiện lòng thành kính và sự hiểu biết về những nghi thức và phong tục truyền thống. Để buổi lễ Ông Hoàng Mười được trọn vẹn, bạn cần lưu ý một số điểm quan trọng sau:
Ngày chính lễ Ông Hoàng Mười
Ngày chính của lễ Ông Hoàng Mười được tổ chức vào ngày 10/10 âm lịch hàng năm. Đây là dịp quan trọng, thu hút đông đảo du khách thập phương về dâng lễ, cầu tài lộc và bình an. Tuy nhiên vào dịp tháng Giêng âm lịch, thời điểm mở đầu một năm mới, khách thập phương lẫn người kinh doanh đều tề tựu về đây đông như trẩy hội để cầu tài đắc lộc. Điều này từ lâu đã trở thành một nét văn hóa tín ngưỡng trong lễ hội cổ truyền của người Việt.
Những điều cần lưu ý khi đi lễ Ông Hoàng Mười
- Lựa chọn lễ vật phù hợp: Khi dâng lễ, bạn nên chọn đồ lễ có màu vàng vì đây là màu áo của Ông Hoàng Mười khi ngự về đồng.
- Chuẩn bị thêm mẫu oản lễ Cô Tâm: Bên cạnh hương, hoa, quả, bạn có thể dâng thêm oản lễ để cầu chúc điều tốt lành cho bản thân và gia đình.
- Làm lễ tại gia trước khi đi: Trước khi đến đền, bạn nên thắp hương tại nhà, mời các quan thần linh, tổ tiên hai bên nội ngoại cùng đi với mình. Điều này thể hiện sự chu đáo và lòng thành kính.
- Không nên đổi tiền lẻ bừa bãi: Đặt tiền mệnh giá lớn tại ban công đồng có ý nghĩa hơn là đổi nhiều tiền lẻ rồi rải lung tung, gây lãng phí và mất mỹ quan.
- Giữ thái độ vui vẻ khi mua lễ vật: Khi chọn mua hoa quả nên nói lời hay, ý đẹp, giữ tâm thế vui vẻ và nhân ái. Điều này giúp bạn có một tâm thế tốt khi đi lễ, mang lại năng lượng tích cực.
- Xử lý phiếu công đức đúng cách: Sau khi ghi phiếu công đức, bạn nên hóa luôn cùng tiền vàng, không mang về nhà ngay cả khi ghi hỗ trợ người khác.
- Lễ đã dâng thì không nên mang về: Đồ lễ khi đã đặt lên bàn thờ để dâng lên Thánh thì không nên tiếc rẻ mà mang về. Điều này thể hiện sự trọn vẹn trong việc dâng lễ.
- Cẩn trọng khi thỉnh vật phẩm về nhà: Các vật phẩm như cành vàng lá ngọc, bùa may mắn, gạo, muối, diêm, bật lửa, tranh ảnh Phật… không nên tự ý mua hay thỉnh về nếu chưa hiểu rõ về ý nghĩa của chúng.
Đi lễ Ông Hoàng Mười là hành động thể hiện sự biết ơn và mong cầu sự hanh thông trong công việc, cuộc sống. Khi thực hiện đúng nghi thức, dâng văn khấn Ông Hoàng Mười Nghệ An, bạn sẽ cảm nhận được sự an tâm, vững vàng hơn trên con đường làm ăn. Hãy chuẩn bị lễ vật chu đáo, đọc văn khấn cầu tài lộc tại đền Ông Hoàng Mười với lòng thành kính để đón nhận phước lành nhé.
Xem thêm
Hướng dẫn sắm lễ và văn khấn chùa Bà Thiên Hậu Bình Dương để cầu tài cầu lộc đầu năm
Lưu ngay cách sắm lễ và văn khấn vay tiền Bà Chúa Kho