Thẻ tín dụng là một trong những phương pháp thanh toán hiện đại, tiện lợi nhưng nếu không biết cách quản lý, người dùng rất dễ rơi vào bẫy nợ nần. Vậy có cách nào để khai thác tối đa lợi ích của thẻ tín dụng mà không bị cuốn vào vòng xoáy chi tiêu quá mức không? Mẹo tiết kiệm dưới đây của cô càng gen Z sẽ là một gợi ý thông minh giúp bạn sử dụng thẻ tín dụng hiệu quả để vừa chi tiêu tiết kiệm, vừa tránh xa cám dỗ vay nợ.
Nhập hàng tạp hóa dễ dàng - giá ưu đãi!
Nợ chồng nợ do dùng thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng về bản chất là một hình thức “vay trước - trả sau”. Theo đó, ngân hàng hoặc tổ chức tài chính cấp sẽ cho người dùng một hạn mức tín dụng nhất định dựa trên thu nhập và lịch sử tín dụng của họ. Khi mua sắm, người dùng có thể quẹt thẻ để thanh toán thay vì dùng tiền mặt. Đến kỳ sao kê hàng tháng, ngân hàng sẽ gửi bảng kê chi tiết các giao dịch và số tiền cần thanh toán.

Thẻ tín dụng cho phép người dùng tiêu trước trả sau dựa trên thu nhập và lịch sử tín dụng cá nhân (Ảnh: BVBank)
Người dùng có thể chọn thanh toán toàn bộ dư nợ để tránh phát sinh lãi suất hoặc chỉ thanh toán một phần. Trường hợp không trả hết số dư, phần còn lại sẽ bị tính lãi suất theo mức do ngân hàng quy định. Nếu tiếp tục chi tiêu mà không kiểm soát, số dư nợ sẽ ngày càng tăng, kéo theo khoản lãi chồng lãi.
Trong thời đại mua sắm online và thanh toán không tiền mặt ngày càng phát triển, sở hữu trong tay một tấm thẻ tín dụng mang lại không ít lợi ích, chẳng hạn:
- Tiện lợi và an toàn: Người dùng có thể thanh toán dễ dàng tại cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại hay trên các trang mua sắm trực tuyến mà không cần chuẩn bị sẵn tiền mặt.
- Hỗ trợ tài chính ngắn hạn: Cho phép người dùng chi tiêu ngay cả khi chưa có tiền trong tài khoản, đặc biệt hữu ích trong các trường hợp khẩn cấp.
- Ưu đãi hấp dẫn: Nhiều ngân hàng cung cấp các chương trình hoàn tiền, tích điểm, giảm giá khi mua sắm. Do đó, sử dụng thẻ tín dụng sẽ là một mẹo tiết kiệm hiệu quả nếu biết cách dùng đúng.
- Tích lũy điểm tín dụng: Việc sử dụng thẻ tín dụng đúng cách và thanh toán đúng hạn giúp người dùng xây dựng lịch sử tín dụng tốt, tạo điều kiện thuận lợi khi cần vay vốn sau này.
Mặt khác, thẻ tín dụng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro nếu người dùng không thể kiểm soát ham muốn chi tiêu và khả năng trả nợ của bản thân. Bởi lẽ ngoài lãi suất, người dùng có thể phải chịu thêm các loại phí như phí rút tiền mặt, phí phạt chậm thanh toán, phí chuyển đổi ngoại tệ… Nếu không thanh toán toàn bộ dư nợ đúng hạn, khoản tiền chưa trả sẽ bị tính lãi suất cao khiến tổng số tiền phải trả ngày càng lớn.

Lạm dụng thẻ tín dụng có thể khiến người dùng mắc nợ xấu vì mất khả năng thanh toán (Ảnh: HDBank)
Câu chuyện dưới đây của cô nàng gen Z sẽ là minh chứng rõ ràng cho những rủi ro tiềm ẩn của cái bẫy thẻ tín dụng. Phương Liên, 30 tuổi, một nhân viên ngân hàng tại TP.HCM. Cô đã từng sở hữu 3 chiếc thẻ tín dụng với hạn mức lần lượt là 37 triệu đồng, 50 triệu đồng và 50 triệu đồng. Chính vì điều này mà Phương Liên từng có giai đoạn rơi vào cảnh "nợ chồng nợ" vì thói quen quẹt thẻ không kiểm soát.
Nhớ lại khoảng thời gian mới bắt đầu sử dụng thẻ tín dụng cách đây bảy năm, Phương Liên thừa nhận cô từng chi tiêu vượt hạn mức, có thời điểm lên đến gần 30 triệu đồng/tháng. Cứ đến kỳ thanh toán, cô chỉ đủ khả năng trả khoản dư nợ tối thiểu. Điều này khiến số tiền nợ không những không giảm mà còn phát sinh thêm lãi suất, kéo theo tình trạng lãi chồng lãi.
"Vì không đủ khả năng thanh toán toàn bộ số dư, mình chỉ trả khoản tối thiểu mỗi tháng. Nhưng chính điều đó khiến lãi suất tiếp tục nhân lên biến khoản nợ tín dụng thành áp lực kéo dài. May mắn là đến cuối năm, nhờ khoản thưởng, mình mới có thể tất toán toàn bộ số nợ và bắt đầu chi tiêu tiết kiệm hơn" Phương Liên chia sẻ.
Cách dùng thẻ tín dụng vừa không vướng nợ, vừa có thể chi tiêu tiết kiệm
Thẻ tín dụng không xấu nhưng cách sử dụng mới là yếu tố quyết định thẻ tín dụng mang lại cho bạn lợi ích hay rủi ro. Sau khoảng thời gian gặp rắc rối với thẻ tín dụng, Phương Liên đã tìm hiểu cặn kẽ và hiểu rõ cơ chế hoạt động, tận dụng các ưu đãi hợp lý và kiểm soát chi tiêu chặt chẽ chính chìa khóa để biến thẻ tín dụng thành công cụ tài chính hữu ích thay vì gánh nặng nợ nần.
Nhập hàng tạp hóa dễ dàng - giá ưu đãi!
Chọn thẻ tín dụng có ngày thanh toán sau ngày nhận lương
Chọn thẻ tín dụng có ngày thanh toán sau ngày nhận lương là cách có thể giúp bạn gia tăng khả năng thanh toán tiền nợ tín dụng đúng hạn. Bởi nếu ngày thanh toán nợ tín dụng rơi vào cuối kỳ lương, bạn có thể đã chi tiêu hết tiền trước khi kịp trả nợ khiến khoản nợ quá hạn làm phát sinh thêm lãi suất.
Chọn thẻ tín dụng có nhiều chương trình ưu đãi
Các ưu đãi như miễn phí thường niên, hoàn phí thường niên hoặc hoàn lại tiền sau khi mua sản phẩm là một mẹo tiết kiệm với thẻ tín dụng vô cùng hiệu quả. Điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể sở hữu sản phẩm hoặc dịch vụ mình mong muốn với một chi phí rẻ hơn khi thanh toán bằng các phương thức thông thường.

Nên sử dụng thẻ tín dụng có ưu đãi hoàn phí hoặc hoàn tiền để giúp chi tiêu tiết kiệm hơn (Ảnh: VIB)
Vì là phương thức thanh toán đang phát triển nên rất nhiều ngân hàng áp dụng các chương trình mở thẻ tín dụng với ưu đãi hấp dẫn. Bên cạnh lãi suất và chính sách mở thẻ, bạn cũng nên tham khảo thông tin về những ưu đãi này để chọn được loại thẻ thích hợp nhất.
Hiểu rõ về loại thẻ tín dụng bản thân đang sử dụng
Việc sử dụng thẻ tín dụng không chỉ đơn thuần là quẹt thẻ để thanh toán mà còn đòi hỏi người dùng hiểu rõ về loại thẻ mình đang sở hữu để tối ưu chi tiêu, tận dụng tối đa các lợi ích đi kèm. Trước hết, bạn cần nắm rõ mã MCC (Merchant Category Code) của thẻ - yếu tố quyết định việc bạn có thể chi tiêu tiết kiệm được với thẻ tín dụng hay không.
Mã MCC có thể hiểu là một dãy 4 chữ số do các tổ chức tài chính và ngân hàng phát hành thẻ quy định nhằm phân loại các đơn vị kinh doanh theo ngành nghề khi thực hiện giao dịch thanh toán bằng thẻ tín dụng. Ngân hàng sẽ dựa vào mã MCC để áp dụng chính sách hoàn tiền, tích điểm hoặc ưu đãi phù hợp cho chủ thẻ. Nếu quẹt thẻ sai nhóm ngành, dù số tiền chi tiêu lớn đến đâu, bạn vẫn có thể bỏ lỡ các ưu đãi mà ngân hàng đã cam kết.

Hiểu rõ mã MCC của thẻ tín dụng trước khi sử dụng (Ảnh: Dịch vụ Marketing)
Việc hiểu rõ các loại phí liên quan cũng sẽ giúp bạn tránh mất tiền oan. Theo quy định, chủ thẻ không phải chịu phí quẹt thẻ nhưng trong một số trường hợp, cửa hàng có thể yêu cầu khách hàng thanh toán phí này. Do đó, trước khi quẹt thẻ, hãy hỏi rõ để đảm bảo bạn không bị tính thêm chi phí không đáng có.
Ngoài ra, người dùng cũng nên ghi chép và quản lý chi tiêu từ thẻ tín dụng một cách thường xuyên. Thay vì chờ đến kỳ sao kê mới thanh toán dư nợ, việc kiểm soát chi tiêu theo tuần và chuyển tiền thanh toán ngay sẽ giúp tránh chịu lãi suất cao, đồng thời đảm bảo khả năng chi trả.
Cuối cùng, đừng quên cài đặt hạn mức giao dịch theo ngày. Đây là một biện pháp cực kỳ hữu ích giúp bạn kiểm soát chi tiêu, đặc biệt với những người có thói quen mua sắm thường xuyên. Bằng cách chủ động giới hạn mức chi tiêu hàng ngày, bạn có thể tránh được tình trạng quẹt thẻ quá đà và đảm bảo tài chính cá nhân luôn trong tầm kiểm soát.
Thẻ tín dụng là một công cụ tài chính hữu ích nếu được sử dụng đúng cách nhưng nó cũng có thể trở thành gánh nặng nếu người dùng không kiểm soát tốt chi tiêu. Do đó, nắm rõ cách thức hoạt động của thẻ cũng như quy định sử dụng thẻ mà ngân hàng cung cấp chính là điều kiện tiên quyết để biến thẻ tín dụng thành trợ thủ tài chính đắc lực giúp bạn chi tiêu tiết kiệm thay vì rơi vào bẫy nợ nần.
Xem thêm
Đi đền Chúa Thác Bờ cầu gì? Nơi rước lộc sinh phú cho giới thương nhân không thể bỏ qua!
9 mẹo chi tiêu thông minh giúp bạn không cạn tiền cuối tháng