1. Trưng bày sản phẩm có nhu cầu cao ở vị trí đắt giá
Thông thường khách đến mua hàng ở tiệm tạp hoá sẽ đứng ở ngoài gọi đồ vì các cửa hàng có diện tích nhỏ. Chính vì vậy, cần tập trung cho khu vực mặt tiền của Cửa hàng. Theo nghiên cứu, sản phẩm trên kệ ngang tầm mắt khách là sản phẩm bán chạy nhất bởi chúng thu hút được sự chú ý của họ và khiến việc mua hàng nhanh chóng, thuận tiện hơn.
2. Trưng bày các sản phẩm có liên quan cạnh nhau
Trưng bày các sản phẩm có liên quan ở cạnh nhau sẽ kích thích nhu cầu mua sắm của khách ngay tại cửa hàng. Ví dụ khi khách tìm mua dầu gội, nếu họ thấy sản phẩm được trưng bày cạnh dầu xả, dầu ủ tóc, thì khả năng họ mua trọn bộ sẽ cao hơn.
3. Nên trưng bày các mặt hàng nhỏ, giá thấp gần quầy thanh toán
Khách hàng thường dừng lại lâu nhất nơi quầy thanh toán. Khi đợi tính tiền họ sẽ ngắm nhìn các mặt hàng xung quanh. Những mặt hàng nhỏ, dễ cầm tay với giá thành rẻ được trưng bày tại quầy thanh toán sẽ giúp Khách hàng đưa ra quyết định mua nhanh hơn. Ngoài ra, việc này còn giúp Chủ tiệm dễ quản lý thất thoát và bán kèm đơn hàng vào phút cuối.
(Bày các mặt hàng nhỏ, giá thấp gần quầy thanh toán giúp tăng khả năng bán kèm vào phút cuối)
4. Trưng bày hàng hóa theo nguyên tắc Nhập trước – Xuất trước
Trưng bày hàng theo nguyên tắc Nhập trước – Xuất trước là phương pháp hữu hiệu giúp giảm tình trạng tồn hàng sắp hết hạn.
Nguyên tắc trưng bày này có thể hiểu đơn giản là bày hàng có hạn sử dụng xa (hàng mới) bên trong, và bày hàng gần hết hạn sử dụng (cận date) bên ngoài, giúp hàng cận date dễ được lấy hơn.
5. Trưng bày hàng theo thương hiệu
Khách hàng thường có xu hướng chọn sản phẩm cùng thương hiệu. Việc bày hàng theo thương hiệu có thể khuyến khích họ thử hết các sản phẩm cùng thương hiệu mà họ yêu thích, từ đó tăng giá trị đơn hàng mỗi lần mua.
Việc đặt các thương hiệu phổ biến cạnh nhau cũng giúp khách hàng dễ so sánh giá bán của các thương hiệu với nhau.
6. Trưng bày cửa hàng tạp hoá theo nguyên tắc: Nhỏ trước – lớn sau; nhỏ ở trên – lớn ở dưới
Cách bố trí hàng nhỏ trước – lớn sau, nhỏ trên – lớn dưới không chỉ giúp Chủ tiệm dễ quản lý hàng, mà còn giúp cửa hàng tạp hóa nhỏ trông khoa học và đẹp mắt hơn.
7. Niêm yết rõ ràng, chính xác giá sản phẩm
Khác với siêu thị, nhiều cửa hàng tạp hóa không có thói quen dán tem giá sản phẩm mà chỉ báo giá khi khách hỏi. Điều này khiến việc bán hàng trở nên thiếu minh bạch, đồng thời cũng gây tâm lý ngại hỏi – sợ mất thời gian nếu khách vội.
Vì vậy, cửa hàng nên dán đúng giá sản phẩm và cập nhật thường xuyên để dễ dàng quản lý, tạo niềm tin với khách hàng, đồng thời tăng sự chuyên nghiệp của cửa hàng.
8. Phân bố không gian, lối đi và tầm nhìn hợp lý
Nên bố trí các mặt hàng với tầm nhìn hợp lý, không quá cao hoặc quá thấp để giúp khách dễ quan sát được sản phẩm họ cần, đồng thời tạo cảm giác cửa tiệm được sắp xếp gọn gàng, khoa học.
Chủ tạp hoá cũng cần hạn chế bày trí nhiều hàng ở lối đi. Lối đi gọn gàng sẽ giúp việc di chuyển của khách trở nên dễ dàng hơn, và chủ tiệm cũng thuận tiện lấy hàng hơn.
9. Không trưng bày quá nhiều hàng
Cần trưng bày số lượng hàng hoá phù hợp, tránh cửa hàng trông như một nhà kho thay vì nơi bán hàng. Mỗi loại hàng chỉ cần trưng 3 – 5 sản phẩm là đủ. Ngoài ra, Chủ tiệm cũng cần chú ý đến tốc độ tiêu thụ của từng mặt hàng. Những hàng có tốc độ tiêu thụ nhanh thì cần tăng số lượng trưng trên kệ nhiều hơn hàng tiêu thụ chậm.
10. Nguyên tắc trưng bày “tay phải”
Phải đến 90% người tiêu dùng Việt Nam khi đi vào một cửa hàng đều rẽ sang phải một cách vô thức, sau đó họ có thói quen quay lại đường cũ ngay khi tìm được món đồ cần thiết. Áp dụng nguyên tắc này chủ tiệm có thể bày các sản phẩm cần tăng doanh số, hoặc sản phẩm cận date ở khu vực tay phải cửa hàng.
Để theo dõi các ưu đãi mới nhất từ VinShop và trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, hãy tham gia ngay:
- Fanpage VinShop: https://bit.ly/FB-VinShop
- Nhóm “Hội bán hàng tạp hóa, cùng nhau làm giàu”: https://bit.ly/VS-nhomtaphoa