Mỗi năm vào dịp rằm tháng Bảy âm lịch, nhiều người Việt lại chuẩn bị mâm cúng tươm tất và đến chùa cầu siêu cho tổ tiên để thể hiện lòng hiếu kính và tri ân sâu sắc. Nhưng không phải ai cũng hiểu rõ lễ Vu Lan là gì, vì sao ngày này được gọi là mùa báo hiếu hay vì sao đi chùa Vu Lan lại trở thành nét văn hóa tâm linh quen thuộc của người Việt. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc, ý nghĩa cũng như những nghi lễ thường thấy trong dịp Vu Lan ngay sau đây.
Lễ Vu Lan là gì? Nguồn gốc và nét đặc trưng của mùa lễ này
Để hiểu đầy đủ về lễ Vu Lan, trước hết cần nhìn lại những câu chuyện và truyền thống lâu đời đã tạo nên dịp lễ đặc biệt này.
Nguồn gốc lễ Vu Lan từ Phật giáo
Nhắc đến lễ Vu Lan là nhắc đến tích truyện về ngài Mục Kiền Liên, một trong những đệ tử lớn của Đức Phật. Theo kinh Vu Lan Bồn, ngài đã dùng thần thông để tìm mẹ sau khi bà qua đời và phát hiện bà đang chịu khổ ở địa ngục vì tạo nhiều nghiệp ác.
Dù rất muốn cứu mẹ, ngài Mục Kiền Liên không thể tự mình giải thoát cho bà. Sau đó, theo lời Đức Phật, ông đã tổ chức cúng dường chư Tăng vào ngày rằm tháng Bảy cũng là thời điểm chư Tăng mãn hạ an cư, phước lành rất lớn. Nhờ vậy, mẹ ông được siêu thoát.
Từ đó, ngày rằm tháng Bảy trở thành ngày lễ Vu Lan. Đây là dịp để con cháu tưởng nhớ và cầu siêu cho ông bà, cha mẹ đã khuất.

Lễ Vu Lan bắt nguồn từ phật giáo (Ảnh: Báo Tây Ninh)
Những đặc điểm nổi bật trong mùa Vu Lan
Ngoài ý nghĩa cầu siêu, lễ Vu Lan còn được biết đến là ngày báo hiếu. Đây cũng là một trong những phẩm hạnh quan trọng trong đạo làm người, đặc biệt ở văn hóa Á Đông. Vào dịp này, nhiều người đến chùa, cài hoa hồng trên ngực áo (hoa đỏ cho ai còn cha mẹ, hoa trắng cho ai đã mất đi đấng sinh thành) như một lời nhắc nhở mỗi người hãy trân trọng tình cảm gia đình khi còn cha mẹ bên cạnh, đồng thời dành một phút lắng đọng để tưởng nhớ công ơn của những bậc sinh thành đã khuất.
Một số hoạt động thường thấy trong mùa Vu Lan:
- Cúng tổ tiên, cúng cô hồn: Gia đình bày mâm cúng để tưởng nhớ ông bà tổ tiên, đồng thời làm lễ cúng cô hồn để chia sẻ phước lành với những linh hồn không nơi nương tựa.
- Đi chùa cầu siêu: Nhiều người đến chùa tụng kinh Vu Lan, cầu cho cha mẹ hiện tiền được mạnh khỏe, người đã khuất được siêu sinh.
- Làm việc thiện, bố thí: Phóng sinh, phát cơm từ thiện, giúp đỡ người nghèo... là những hành động thể hiện lòng hiếu thảo qua việc gieo phước cho cha mẹ.
Ý nghĩa sâu sắc của lễ Vu Lan trong đời sống hiện đại
Không chỉ mang tính tâm linh, khi hiểu đúng về lễ Vu Lan, chúng ta sẽ nhận ra đây còn là cơ hội để nhìn lại chính mình và những mối quan hệ gần gũi nhất trong cuộc sống.
Lời nhắc nhở về đạo hiếu trong gia đình
Trong xã hội hiện đại, khi nhịp sống bận rộn khiến nhiều người có ít thời gian bên gia đình thì lễ Vu Lan trở thành dịp quan trọng để mỗi người con nhìn lại tình cảm với cha mẹ. Đó không chỉ là việc dâng mâm cúng hay lễ lạy mà còn là sự chăm sóc, hỏi han và dành thời gian thật sự chất lượng cho đấng sinh thành khi họ còn hiện diện.
Ngày lễ này nhắc nhở rằng, hiếu kính không chỉ là trong tâm tưởng mà phải thể hiện bằng hành động, từ những điều nhỏ nhất như một cuộc gọi hỏi thăm, một bữa ăn cùng cha mẹ đến những điều lớn lao hơn như bảo bọc, chăm sóc họ lúc tuổi già.

Lễ Vu Lan là lời nhắc nhở về chữ hiếu, đạo làm con (Ảnh: Kenh14)
Khơi gợi lòng nhân ái và sự sẻ chia
Không ít người hiểu lễ Vu Lan dưới góc độ siêu thoát linh hồn nhưng với giới trẻ ngày nay, lễ Vu Lan còn là dịp thể hiện lòng biết ơn và lan tỏa giá trị tốt đẹp trong cộng đồng. Những hoạt động như tặng quà cho người nghèo, chia sẻ cơm chay, tổ chức lễ hội Vu Lan nơi chùa chiền... giúp mỗi người sống tử tế hơn, biết yêu thương nhiều hơn.
Lễ Vu Lan là dịp để mỗi người “sống chậm lại”, nhận ra rằng yêu thương không cần điều kiện, chỉ cần chân thành và trân quý khi còn có thể.
Hành động ý nghĩa nên làm trong mùa Vu Lan
Sau khi đã hiểu rõ lễ Vu Lan là gì, bạn có thể thực hiện một số hành động đơn giản nhưng đầy ý nghĩa dưới đây để thể hiện tấm lòng hiếu thảo trong mùa lễ này:
- Cài hoa hồng tưởng nhớ cha mẹ: Nếu còn cha mẹ hãy cài hoa hồng đỏ để trân quý hiện tại. Nếu đấng sinh thành đã khuất hãy cài hoa trắng là lời tưởng nhớ lặng thầm.
- Thăm hỏi, chăm sóc cha mẹ: Một bữa cơm ấm cúng, vài lời hỏi han hay chỉ đơn giản là ngồi nghe cha mẹ kể chuyện cũng đủ để họ vui lòng.
- Tham gia lễ Vu Lan tại chùa: Nghe giảng pháp, tụng kinh Vu Lan giúp thanh lọc tâm hồn và hướng về điều thiện.
- Chia sẻ yêu thương: Làm từ thiện, phát cơm chay, giúp đỡ người khó khăn trong mùa lễ như một cách tạo phước hồi hướng cho cha mẹ.

Thăm hỏi cha mẹ là hành động đơn giản nhưng ý nghĩa trong lễ Vu Lan báo hiếu (Ảnh: CafeBiz)
FAQ - Câu hỏi thường gặp về ngày lễ Vu Lan
Dưới đây là một số thắc mắc phổ biến mà nhiều người đặt ra khi tìm hiểu lễ Vu Lan:
-
Lễ Vu Lan có giống với Tết Trung Nguyên không?
Không hoàn toàn giống nhau. Cả hai đều diễn ra vào rằm tháng Bảy âm lịch nhưng lễ Vu Lan mang ý nghĩa báo hiếu và cầu siêu trong đạo Phật, còn Tết Trung Nguyên mang tính tín ngưỡng dân gian, gắn với lễ cúng cô hồn.
-
Có nhất thiết phải đi chùa mới gọi là báo hiếu mùa Vu Lan không?
Không. Dù đi chùa là hoạt động ý nghĩa nhưng báo hiếu thực chất nằm ở hành động và tâm niệm hàng ngày như: chăm sóc cha mẹ, sống tử tế, biết ơn và yêu thương.
-
Nếu cha mẹ còn sống thì có nên làm lễ Vu Lan không?
Rất nên. Vu Lan không chỉ dành để cầu siêu mà còn là dịp cầu an cho cha mẹ hiện tiền. Nhiều người đến chùa vào dịp này để xin phúc lành và bình an cho đấng sinh thành.
Qua bài viết này, hi vọng bạn đã hiểu rõ hơn lễ Vu Lan là gì và vì sao nó lại mang nhiều ý nghĩa sâu sắc đến vậy. Dù bạn còn hay đã mất cha mẹ, lễ Vu Lan vẫn là dịp để mỗi người con hướng về cội nguồn, thể hiện lòng hiếu thảo và sống tử tế hơn mỗi ngày. Đừng để việc báo hiếu chỉ dừng lại ở nghi lễ mà hãy biến yêu thương thành hành động, không chỉ trong tháng Bảy âm lịch mà trong cả 365 ngày của năm.
Xem thêm:
Lịch âm 2025: Những ngày tốt xấu, ngày hoàng đạo và các dịp lễ quan trọng mà bạn cần nhớ